Dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập huyện Hàm Thuận Nam có ông Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận; ông Nguyễn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng lãnh đạo các sở ngành, huyện thị, thành phố của tỉnh và cán bộ, người dân huyện Hàm Thuận Nam.
Trải qua 40, với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện đã dần vượt qua khó khăn và phát triển mạnh về kinh tế xã hội. Từ một huyện khó khăn do khô hạn, đến nay hệ thống thủy lợi đã được đầu tư với tổng lưu lượng nước tích được hàng năm trên 49 triệu m3 cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân với tổng diện tích tưới chủ động nước trên 6.500 ha.
Năm 2022, diện tích cây lâu năm đạt khoảng 23.000 ha, tăng hơn 22.000 ha, gấp hơn 40 lần so với năm 1983; trong đó, từ năm 1990 đã phát triển mới cây thanh long, đến nay có hơn 14.000 ha thanh long giúp người dân thay đổi cuộc sống, vượt khó vươn lên làm giàu. Năm 1983 từ chỗ huyện chỉ đạt 11 ngàn tấn lương thực thì đến nay đã đạt hơn 35 ngàn tấn, cơ bản bảo đảm đủ lương thực cho nhân dân toàn huyện.
Trên cơ sở phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, kinh tế nông nghiệp có bước chuyển biến tích cực, toàn diện; từ một huyện sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cây lúa và cây hàng năm, đã chuyển sang phát triển cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao, nhất là canh tác, sản xuất thanh long diện tích lớn đã giúp cho nhiều hộ nông dân từ nghèo khó đã trở nên giàu có từ cây thanh long. Nói đến huyện Hàm Thuận Nam ở tỉnh Bình Thuận thì người dân cả nước biết đến nơi đây như "thủ phủ" thanh long với hơn 15.000 ha.
Bí thư huyện ủy huyện Hàm Thuận Nam Lê Thị Bích Liên cho biết: "Nhìn lại chặng đường đã qua, sau 40 năm kiên trì phấn đấu, với ý chí, tinh thần và nghị lực vững vàng, huyện đã gặt hái được nhiều thành quả vô cùng quý giá và đáng tự hào. Những kết quả đạt được đó bắt nguồn từ các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo và giúp đỡ có hiệu quả của tỉnh; sự chấp hành, vận dụng sáng tạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả của các cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở, phù hợp với thực tiễn địa phương, đặc biệt là truyền thống đấu tranh cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện".
Nếu cơ sở hạ tầng dịch vụ, du lịch xuất phát điểm gần như chưa có gì thì đến nay, đã có 77 dự án du lịch đăng ký đầu tư trên địa bàn huyện; trong đó, có 23 dự án đang hoạt động, 29 dự án đang xây dựng, hàng năm đón trên 300.000 lượt khách du lịch, doanh thu du lịch hàng năm đạt trên 100 tỷ đồng. Hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, nhiều công trình giao thông đã hoàn thành, đưa vào sử dụng kết nối tốt với hệ thống trục chính cao tốc, quốc lộ, tạo thành mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh và liên thông với các huyện trong và ngoài tỉnh.
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2001 còn 13,47% so tổng dân số trong huyện thì đến năm 2022 chỉ còn 2,5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Riêng về thu nhập bình quân đầu người, nếu năm 1995 đạt 135 USD thì đến năm 2022 đạt 2.080 USD (khoảng 49 triệu đồng), tăng gấp 15 lần. Đó là kết quả từ sự định hướng của Đảng bộ, đồng hành của chính quyền và nỗ lực của chính Nhân dân trong toàn huyện.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hàm Thuận Nam đạt được trong chặng đường 40 năm qua. Trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu huyện cần chú ý khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện, nhất là về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng… để tiếp tục cơ cấu lại từng ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng nhanh, bền vững. Đặc biệt, tập trung cơ cấu lại chuỗi giá trị thanh long để ổn định kinh tế và phát triển bền vững cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến thanh long.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: huyện Hàm Thuận Nam cần tiếp tục chăm lo, cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, giảm nghèo, đặc biệt quan tâm đến các gia đình liệt sỹ, thương binh, gia đình có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số... Thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển. Chú ý chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, nhất là lĩnh vực xây dựng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường.