Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Hướng tới bỏ thi, xét thăng hạng viên chức

Admin

TPO - Bộ Nội vụ đang đề xuất Chính phủ bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để giảm gánh nặng thi cử, tốn kém, nhưng trước mắt vẫn giữ hình thức xét thăng hạng theo tiêu chuẩn, điều kiện.

Sáng 13/6, tại cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời một số kiến nghị của Hội Nhà báo và đại biểu nêu ra, trong đó có vấn đề thi nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức.

Bà Trà cho biết Bộ đang đề xuất Chính phủ bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để giảm gánh nặng thi cử, tốn kém, nhưng trước mắt vẫn giữ hình thức xét thăng hạng theo tiêu chuẩn, điều kiện.

“Chúng tôi đang tính toán một vài năm nữa sẽ đề xuất bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm. Trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức", bà Trà nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Hướng tới bỏ thi, xét thăng hạng viên chức ảnh 1

Mới đây, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định về cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề xuất bỏ hình thức thi thăng hạng. Viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của hạng cao hơn liền kề sẽ được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi quy định để tăng cường phân cấp trong tổ chức tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức, viên chức.

Đối với công chức, phân cấp cho cơ quan quản lý công chức căn cứ vào danh mục vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức đã được phê duyệt chủ trì hoặc phân cấp, ủy quyền tổ chức thi nâng ngạch từ chuyên viên hoặc tương đương lên chuyên viên chính hoặc tương đương mà không cần có ý kiến của Bộ Nội vụ (hoặc Ban Tổ chức Trung ương) về đề án.

Còn đối với viên chức, cơ quan quản lý viên chức chủ trì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I và bổ nhiệm, xếp lương viên chức loại A3 mà không cần phải có ý kiến của Bộ Nội vụ.

Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II và hạng III được giao cơ quan được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng thực hiện để phù hợp với việc bỏ quy định về thi thăng hạng, đồng thời đẩy mạnh chủ trương phân cấp.

Theo Bộ Nội vụ, các kỳ thi thời gian qua chưa gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng viên chức bởi nội dung còn hình thức, chưa sát vị trí việc làm và đặc thù công việc; viên chức trước và sau khi thăng hạng không có sự khác biệt về chất lượng công việc, năng lực. Việc thăng hạng hiện nay chủ yếu giải quyết chế độ tiền lương và thu nhập của viên chức.

Bộ Nội vụ cho biết với số lượng khoảng 1,8 triệu viên chức, việc tổ chức kỳ thi thăng hạng hàng năm gây tốn kém, cá biệt một số nơi xảy ra vi phạm, tiêu cực.