BOT còn bất cập "sẽ cho xử lý ngay"
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT ngày 7/6, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nói, sau phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng lúc bấy giờ rất thương mến cử tri Bình Dương, cho sửa ngay điện chiếu sáng; giao Tổng cục đường bộ và cam kết phá dỡ trạm thu phí, làm thủ tục bàn giao 6 km đoạn đường cho địa phương quản lý.
Tuy nhiên theo đại biểu, đến nay cả hai việc này đều chưa được thực hiện. Dù đã được đề cập tại các kỳ họp trước, song đến nay còn
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng. Ảnh Như Ý
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định, với những việc Bộ trưởng trước đây đã chỉ đạo nhưng chưa được thực hiện, ông sẽ cho kiểm tra và xử lý ngay. “Cam kết với đại biểu đã có văn bản là phải triển khai thực hiện. Nội dung này tôi xin phép sẽ kiểm tra và xử lý”, ông Thắng quả quyết.
Vấn đề liên quan đến việc một số trạm thu phí theo Nghị quyết của Quốc hội, theo Bộ trưởng, nội dung này vừa qua đã triển khai nhưng vướng mắc rất nhiều, đặc biệt liên quan đến những hợp đồng ký kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các nhà đầu tư.
“Chúng ta biết nhà nước, doanh nghiệp rất bình đẳng khi đã đặt bút ký hợp đồng, cho nên trong quá trình xử lý chúng tôi rất cố gắng, nỗ lực, cũng có những trạm đã xử lý được rồi, nhưng có những trạm thì phải tiếp tục đàm phán”, ông Thắng cho hay.
Không dành đặc quyền, đặc lợi cho doanh nghiệp
Người đứng đầu ngành giao thông ví dụ, liên quan đến các ngân hàng, ngành còn phải tổ chức đàm phán với các ngân hàng, với nhà đầu tư về việc phải bỏ hết lợi nhuận vốn chủ sở hữu đi, ngân hàng phải giảm lãi suất, thậm chí miễn lãi suất...để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư.
Theo ông, rất nhiều dự án không phải lỗi do nhà đầu tư, cũng không phải lỗi của nhà nước mà do vấn đề kinh tế - xã hội, do nhu cầu thực tiễn phát sinh, cần phải mở thêm tuyến này, đoạn kia… “Chúng tôi rất trách nhiệm, trước mắt trong thời gian tới tiếp tục trình 8 dự án BOT”, ông nói.
“Chúng ta phải làm theo quy trình. Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GTVT cũng không có tiền. Chúng tôi đang làm hết sức mình để làm sao tháo gỡ một cách triệt để, bảo vệ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hiện nay đang đầu tư các dự án BOT nhưng do điều kiện khách quan bị ảnh hưởng. Có vấn đề nhiều trạm làm xong rồi nhưng không được thu phí, dân không đồng ý thu phí thì nhà đầu tư cũng phải chịu”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng nói thêm, căn cứ vào các hợp đồng đã ký, khi doanh thu đến mức độ nào thì nhà nước phải mua lại. “Đây là điều khoản, điều kiện trong hợp đồng, không phải chúng ta dành đặc quyền, đặc lợi cho doanh nghiệp”, ông nói.