Sơn chống cháy không phải vật liệu có thể chuẩn hóa
Chiều 31/5, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về những vướng mắc trong phòng cháy, chữa cháy (PCCC), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, hiện nay có 9 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và 28 tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị PCCC.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. |
Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC được biên soạn và ban hành bởi Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Riêng về Quy chuẩn 06 do Bộ Xây dựng ban hành, ông Nghị cho khẳng định, không cao, thậm chí ở mức độ trung bình thấp. Cụ thể, Quy chuẩn 06 không có quy định nào về sơn chống cháy, đối với kết cấu thép nhà xưởng. “Sơn chống cháy không phải là vật liệu có thể chuẩn hóa nên không thể đưa vào quy chuẩn như một lựa chọn sẵn”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Quy chuẩn cũng cho phép các nhà xưởng có nguy cơ cháy cao, với diện tích lên đến 25.000m2 không cần bọc bảo vệ kết cấu thép. “Theo Quy chuẩn 06 thì đa số các nhà xưởng sản xuất hiện nay của Việt Nam đều thuộc diện không phải bọc bảo vệ kết cấu thép”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định.
Cũng theo ông Nghị, Quy chuẩn 06 không quy định đối tượng nhà và công trình cụ thể nào thì phải trang bị các hệ thống cấp nước chữa cháy trong và ngoài nhà. Nội dung này nằm trong tiêu chuẩn do các cơ quan khác biên soạn, trong đó quy định rõ nhà và công trình có công năng gì, quy mô nào thì phải trang bị những hệ thống trên.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay đang tích cực phối hợp với các đơn vị để đưa ra các giải pháp tăng cường cho các công trình hiện hữu nhằm đảm bảo tốt nhất có thể về an toàn cho công trình dựa trên các giải pháp được thống nhất. Bộ Xây dựng đã dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc này và đã gửi xin ý kiến các cơ quan, địa phương vào ngày 26/5/2023.
Phiên thảo luận tại Quốc hội về kinh tế, xã hội. Ảnh: Như Ý |
Hơn 100 dự án thuộc đối tượng của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Về việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ông Nghị cho biết, qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ và các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn.
Cụ thể tỉnh Bình Định đã công bố nhu cầu vay vốn là 1.832 tỷ, tỉnh Phú Thọ công bố nhu cầu vay vốn là 441 tỷ, Đà Nẵng công bố nhu cầu vay vốn là 545 tỷ, Trà Vinh công bố nhu cầu vay vốn là 420 tỷ, Bắc Giang công bố nhu cầu vay vốn là 4.527 tỷ và Hải Phòng công bố nhu cầu vay vốn là 3.892 tỷ.
“Gói 120.000 tỷ cho cả giai đoạn đến năm 2030 và các địa phương đang trong quá trình tổng hợp công bố nên chỉ mới có kết quả bước đầu. Trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án tham gia gói 120.000 tỷ như nhu cầu công bố của các địa phương”, ông Nghị cho biết.
Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật.