Bộ Y tế truy tìm nguồn gốc thuốc NEXIUM 40mg giả chỉ chứa 17% hoạt chất so với nhãn dán

Admin

TPO - Ngày 23/5, Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) phát đi văn bản yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố kiểm tra, xử lí và truy tìm nguồn gốc lô thuốc giả NEXIUM 40mg, chỉ chứa 17,2% hàm lượng Esomeprazole so với ghi trên nhãn.

Theo Cục Quản lí Dược, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mĩ phẩm, thực phẩm Hà Nội đã gửi báo cáo kèm phiếu phân tích về mẫu thuốc có thông tin trên nhãn là NEXIUM 40mg Enterik Kapli Pellet Tablet (Esomeprazol), lô số 23H420, hạn dùng 9/2027. Đáng chú ý, nhãn thuốc không có thông tin về số đăng kí lưu hành, giấy phép nhập khẩu, cơ sở sản xuất và cơ sở nhập khẩu.

Mẫu thuốc được lấy tại

Mẫu thuốc NEXIUM 40mg Enterik Kapli Pellet Tablet (Esomeprazol) giả.

Cục Quản lí Dược yêu cầu Sở Y tế Hà Nội khẩn trương phối hợp với Ban chỉ đạo 389 thành phố, cơ quan công an, quản lí thị trường và các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra Nhà thuốc Đức Anh, đồng thời truy xuất nguồn gốc lô thuốc vi phạm. Kết quả xử lí phải được báo cáo trước ngày 27/5.

Ngoài ra, Cục cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền, cảnh báo đến người dân và các cơ sở kinh doanh dược về sản phẩm thuốc giả này; nhấn mạnh người dân chỉ nên mua thuốc tại các cơ sở được cấp phép, không mua thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ và báo cáo kịp thời các nghi vấn về thuốc giả tới cơ quan chức năng.

NEXIUM 40mg là thuốc ức chế bơm proton, thường được sử dụng để điều trị trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và các bệnh lí liên quan đến tình trạng tăng tiết axit dạ dày.

Đây không phải lần đầu tiên loại thuốc này bị phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Tháng 6/2022, Cục Quản lí Dược từng ban hành văn bản cảnh báo về một số mẫu NEXIUM 20mg và 40mg nghi ngờ nhập khẩu, lưu hành trái phép tại Việt Nam.

TS. Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lí dược cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thuốc sản xuất bất hợp pháp vẫn có thể lưu hành trên thị trường là do chế tài xử lí đối với các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe. Ví dụ, giá trị của một hộp thuốc giả bị phát hiện có thể chỉ ở mức vài trăm nghìn đồng, do đó, mức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 117 chỉ từ một đến vài triệu đồng.

Bên cạnh việc nâng cao chế tài xử phạt đối với các cơ sở vi phạm, cần có quyết tâm cao và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để truy tìm, truy vết và triệt phá các địa điểm sản xuất. Điều này rất quan trọng. Điển hình như vụ việc tại Thanh Hóa, trên cơ sở báo cáo về thuốc giả của Sở Y tế Thanh Hóa gửi Bộ Y tế, Bộ đã chỉ đạo Sở Y tế Thanh Hóa phối hợp với Cục Quản lí thị trường và các lực lượng chức năng trên địa bàn kịp thời chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu hình sự cho cơ quan công an điều tra. Cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã lập chuyên án để đấu tranh, triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh như thời gian qua.

Bộ Y tế truy tìm nguồn gốc thuốc NEXIUM 40mg giả chỉ chứa 17% hoạt chất so với nhãn dán ảnh 2

TS Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lí dược.

Phó Cục trưởng cho biết thêm, hiện nay, Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng và thuốc không rõ nguồn gốc.

Các giải pháp này bao gồm: rà soát các quy định của pháp luật theo hướng tăng cường chế tài xử lý để đảm bảo tính răn đe; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp quản lí; xây dựng cơ sở dữ liệu thuốc được cấp giấy đăng kí lưu hành, kết nối liên thông các cơ sở kinh doanh dược để truy xuất thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của thuốc; đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và lực lượng quản lí thị trường để xử lí các trường hợp kinh doanh, bán thuốc qua mạng không đúng quy định.