
Sách do NXB Đà Nẵng ấn hành đầu năm 2025
Sách phần nào cho độc giả hình dung khái quát về diện mạo văn chương phương Nam qua các thời kỳ, tuy chưa đề cập được một số cái tên quan trọng nhất của vùng đất này nhưng cũng đã kịp giới thiệu những tên tuổi, trong đó có người lừng lẫy một thời, nay chỉ còn là cái tên mà hầu như chỉ các nhà nghiên cứu chuyên môn còn nhắc.
Thứ tự các bài viết được sắp xếp sao cho người đọc có cái nhìn tổng quan, sau đó đi vào từng mảng đề tài phong phú, đa dạng, chú trọng cả chủ đề, đối tượng thường không hấp dẫn với phê bình hàn lâm, như văn học tuổi mới lớn hay thể loại ngày nay bị xếp "chiếu dưới" của văn chương là ký.
Bên cạnh các nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy như PGS.TS Võ Văn Nhơn (chủ biên), nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang, sách còn có sự "góp lời" của những nhà nghiên cứu thuộc thế hệ kế cận như Lê Thụy Tường Vy, Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Trúc Bạch, Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, Ngô Trà Mi, Nguyễn Thị Thùy Dương, Nguyễn Trung Khoa và Nguyễn Thị Phương Thúy.
Sách cho thấy việc nghiên cứu văn chương phương Nam là công việc kéo dài, tiếp nối nhau qua các thế hệ thầy trò, và vẫn còn nhiều đề tài hấp dẫn để các nhà nghiên cứu trẻ tiếp tục tìm tòi, cho ra đời những công trình mới, góp phần vào việc phác họa bức tranh văn chương phương Nam nhiều màu sắc.
Dẫn ra để thấy, vượt trên những định kiến của số đông khi đề cập tới văn chương phương Nam, đây là "vùng văn học" với lịch sử phát triển cũng như đóng góp nhiều tài năng vào dòng chảy chung của lịch sử văn học Việt Nam.
Góp lời cho văn chương phương Nam đã không chỉ "góp lời" mà còn gợi mở những đề tài, những hướng nghiên cứu mới về văn chương phương Nam.
Tác phẩm, như ông Võ Văn Nhơn chia sẻ, "là tình yêu của chúng tôi đối với văn chương phương Nam, một bộ phận văn học thú vị của dân tộc nhưng còn chưa được quan tâm nghiên cứu một cách sâu rộng, thỏa đáng".
PGS.TS Võ Văn Nhơn nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam. Sách Góp lời cho văn chương phương Nam là tổng hợp 14 công trình nghiên cứu của ông Võ Văn Nhơn cùng các đồng nghiệp cũng như các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên ở Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương).
