Cám cảnh sầu riêng: Chỉ khi 'sạch từ gốc' mới thực sự ngọt lâu

Admin

TPO - Xuất khẩu sầu riêng - ngành hàng từng “lên hương” nhanh nhất trong các loại trái cây Việt - đang chững lại vì những cảnh báo về chất lượng. Khi thị trường toàn cầu siết chặt rào cản kỹ thuật, sầu riêng Việt buộc phải đảm bảo chất lượng, minh bạch về nguồn gốc nếu muốn giữ được vị thế.

Chất lượng - gốc rễ của mọi vấn đề

Chưa đầy 2 năm khi chính thức được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu chính ngạch,

Sầu riêng cần nâng cao chất lượng để giữ được vị thế trong lòng người tiêu dùng quốc tế. Ảnh minh họa: IT.

Ông Võ Tấn Lợi - Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang - cho biết: "Vàng O là chất tạo màu công nghiệp được một số nơi dùng để nhúng vào múi sầu riêng sau thu hoạch, thay vì dùng bột nghệ như trước. Dù hiện nay nhiều doanh nghiệp đã dừng sử dụng, nhưng dư lượng vẫn có thể bám vào từ các thiết bị cũ, dụng cụ trong nhà xưởng nếu không được thay mới hoặc làm sạch kỹ".

Với chất Cadimi, vấn đề còn nan giải hơn. Cadimi là một trong rất ít nguyên tố không có ích lợi cho cơ thể con người. Cadimi và các hợp chất là những chất cực độc. Đây là chất có thể tồn tại trong đất do quá trình bón phân lâu dài bằng loại phân có chứa kim loại nặng. Các nhà khoa học vào cuộc và xác nhận có hiện tượng nhiễm Cadimi trong đất trồng sầu riêng, chủ yếu do phân bón cũ tích lũy qua các mùa vụ.

"Đối với các vườn sầu riêng mới, nếu không dùng loại phân có chứa Cadimi thì khả năng đất và sầu riêng bị nhiễm chất này là rất thấp. Nhưng với những vườn cũ, để loại trừ chất Cadimi tồn tại trong đất thì thời gian 1-2 năm cũng chưa chắc được. Dù đã có một số giải pháp để cải tạo đất, nhưng đây là quá trình dài hơi và không dễ thực hiện” ông Lợi chia sẻ thêm.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - khẳng định: "Điều quan trọng nhất cần làm bây giờ là phải kiểm soát chất lượng sầu riêng từ gốc, đảm bảo chất lượng quả trước khi thu hoạch. Mặt khác, người dân cần chủ động hơn trong việc đảm bảo chất lượng mặt hàng, không quá phụ thuộc vào doanh nghiệp hay các cơ quan quản lý. Để làm được điều đó, bên cạnh việc nâng cao ý thức người dân còn cần xã hội hóa dịch vụ kiểm định, mở rộng thêm nhiều phòng kiểm định tại các khu vực trồng sầu riêng".

Để đường dài mang về quả ngọt

Một cây sầu riêng phát triển và ra quả ổn định cần ít nhất 3-5 năm (với loại giống cao sản), mỗi quả sầu riêng chín ngọt là cả một chặng đường dài chăm sóc của người nông dân. Tuy nhiên, những quả ngọt đó có đến được tay người tiêu dùng, có mang lại lợi nhuận cho người nông dân không lại là điều đáng suy ngẫm.

Sự sụt giảm của xuất khẩu sầu riêng không chỉ là chuyện chất lượng mà còn phản ánh rõ nét hệ lụy của một quá trình phát triển thiếu bền vững. Thực tế, thời gian qua cơn sốt giá sầu riêng đã dẫn đến làn sóng mở rộng diện tích trồng ồ ạt ở nhiều địa phương. Không ít vùng đất không phù hợp cũng được chuyển đổi sang trồng sầu riêng bất chấp cảnh báo từ ngành nông nghiệp. Việc phát triển nóng này khiến chất lượng trái cây không đồng đều, khó kiểm soát sâu bệnh, và đặc biệt khó đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu nghiêm ngặt của các thị trường khó tính.

Cám cảnh sầu riêng: Chỉ khi 'sạch từ gốc' mới thực sự ngọt lâu ảnh 2

Thực hiện nhiều biện pháp để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững. Ảnh minh họa: TTXVN.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) - khẳng định: Việt Nam cần sớm có biện pháp quy hoạch phù hợp nhằm ngăn chặn phát triển nóng về diện tích, đồng thời xây dựng quy trình sản xuất, đóng gói và bảo quản đạt chuẩn.

Một bước đi quan trọng cũng đang được Bộ NN&MT đẩy mạnh là phân cấp quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói về cho địa phương. Khi chính quyền cơ sở có quyền chủ động, công tác giám sát chất lượng sẽ linh hoạt, sát sao và kịp thời hơn. Điều này sẽ giúp hạn chế rủi ro hàng loạt lô sầu riêng bị từ chối chỉ vì một vài mắt xích yếu kém trong chuỗi cung ứng.

Ngành nông nghiệp cần chủ động giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, hướng tới các thị trường khó tính hơn như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, để chinh phục các thị trường này, sầu riêng Việt phải đạt chuẩn về chất lượng, quy trình canh tác, bảo quản và đặc biệt là truy xuất nguồn gốc.

Một hướng đi khác đang được khuyến khích là đầu tư vào công nghệ chế biến. Các sản phẩm như sầu riêng đông lạnh, sầu riêng tách múi cấp đông, sầu riêng sấy… có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu không đạt chuẩn xuất khẩu tươi, đồng thời mở rộng thị phần ở những thị trường mới. Đây là chiến lược giúp gia tăng giá trị, tạo sự ổn định.

Từ một ngành hàng đầy tiềm năng, sầu riêng Việt đang đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi nếu không thay đổi kịp thời. Những lô hàng bị trả về không chỉ là tổn thất kinh tế mà còn là lời cảnh tỉnh cho toàn chuỗi giá trị. Đã đến lúc ngành sầu riêng cần bước chậm lại, làm chắc từ khâu sản xuất, siết chặt kiểm soát chất lượng và xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà nông - doanh nghiệp - cơ quan quản lý. Chỉ khi "sạch từ gốc", trái sầu riêng Việt mới có thể thực sự ngọt lâu, giữ vững được vị thế trong lòng người tiêu dùng quốc tế.

Sầu riêng ‘rẻ như bèo’ bán đầy đường
Sầu riêng loạn giá, xuất khẩu giảm sâu
Sầu riêng loạn giá, xuất khẩu giảm sâu
Việt Nam cạnh tranh khốc liệt thị phần sầu riêng ở Trung Quốc
Việt Nam cạnh tranh khốc liệt thị phần sầu riêng ở Trung Quốc