Cần áp dụng chính sách “thưởng xuất khẩu” cho các doanh nghiệp

Admin

Để thúc đẩy phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần có biện pháp “nóng” hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua chính sách “thưởng xuất khẩu”, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động tồn đọng; khuyến khích đầu tư tư nhân; đẩy nhanh cơ chế đặt hàng với các doanh nghiệp lớn thực hiện các nhiệm vụ đầu tư của nhà nước…

Phát biểu thảo luận về nội dung phát triển kinh tế xã hội, ngày 23/5, đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Tp.Hà Nội, đã đề xuất các giải pháp trọng tâm, cấp bách nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 8% trong năm 2025.

ĐỘNG LỰC XUẤT KHẨU GẶP KHÓ KHĂN

Năm 2024, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực với mức tăng 7,09%, góp phần làm cho kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng dẫn đầu ASEAN, quy mô kinh tế Việt Nam vươn lên đứng thứ 4 khu vực. 

Quý 1/2025, tốc độ tăng trưởng đạt 6,93%, cao hơn kế hoạch đầu năm nhưng thấp hơn so với kế hoạch điều chỉnh. So với các nước trong khu vực như Philippines tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 5,4%. Điều này cho thấy kinh tế của Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng tốt, khả quan.

Đặc biệt, thu ngân sách cả nước trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 944 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng Hà Nội, tổng thu ngân sách trong 4 tháng ước đạt 310 nghìn tỷ đồng, đạt 61,4% dự toán, chiếm 1/3 tổng thu ngân sách  cả nước (năm 2024, thu ngân sách Hà Nội chiếm ¼ tổng thu ngân sách cả nước).

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.

Theo đại biểu, con số thu ngân sách này mang ý nghĩa lớn, thể hiện dư địa về ngân sách còn cao. Trong bối cảnh khó khăn cần phải sử dụng dư địa ngân sách, không quá tập trung vào thu ngân sách mà sử dụng ngân sách để khuyến khích đầu tư phát triển.

Đại biểu cho biết tăng trưởng kinh tế năm 2024 dựa trên 3 động lực truyền thống là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư.

Tuy nhiên, sang năm 2025, động lực xuất khẩu gặp khó khăn do vấn đề chính sách thuế của Mỹ. Động lực xuất khẩu khó khăn dẫn đến 2 hậu quả rõ rệt. Cụ thể, toàn bộ khu vực sản xuất tạo tăng trưởng trước đây là chế biến và chế tạo sẽ bị giảm trong năm 2025.

Điều này đã thể hiện rõ qua chỉ số nhà quản trị mua hàng trong tháng 3/2025 ở mức 50,5 điểm nhưng sang tháng 4 chỉ còn 45,6 điểm. Nếu chỉ số này ở mức 50 điểm, tức quy mô sản xuất giữ ổn định, còn dưới 50 điểm có nghĩa quy mô sản xuất thu hẹp. Sự sụt giảm này không chỉ ảnh hưởng đến khối lượng sản xuất mà còn giảm việc làm và thu nhập của người lao động trong khu vực sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ xuất khẩu. Khi thu nhập giảm sẽ dẫn đến động lực tiêu dùng cũng có nguy cơ ảnh hưởng theo.

Ngoài ra, chính sách thuế quan của Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng tới khu vực doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư FDI vào Việt Nam có thể sẽ chững lại, giải ngân đầu tư FDI sẽ ít đi. Khi lượng giải ngân FDI giảm cùng với xuất khẩu giảm kéo theo lượng dự trữ ngoại tự trong nước sẽ giảm, từ đó sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá.

"Điều này cho thấy áp lực sản xuất và tỷ giá trong kinh tế vĩ mô đều rất khó khăn trong năm 2025", GS Hoàng Văn Cường nói.

BẢO VỆ THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA, GIỮ VỮNG THỊ TRƯỜNG TRUYỀN THỐNG, MỞ RỘNG SANG THỊ TRƯỜNG MỚI

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, cùng với những giải pháp toàn diện Chính phủ đã và đang tích cực triển khai, được đưa ra trong báo cáo, đại biểu Hoàng văn Cường đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm, cấp bách.

Bên cạnh việc đang tiến hành đàm phán về thuế quan với Hoa Kỳ, Việt Nam phải tiếp tục giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống đang có, điển hình như Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ rõ những tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đang giảm mạnh, đặc biệt là mặt hàng sầu riêng do kiểm soát chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo.

“Để giữ vững được các thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường mới Trung Đông, châu Âu, cần có “bàn tay” dẫn dắt của Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất của nông dân với những mặt hàng nông sản xuất khẩu nhằm đưa ra hướng dẫn, tiêu chuẩn cũng như thúc đẩy xuất khẩu bền vững”, đại biểu Hoàng Văn Cường góp ý.

Cần áp dụng chính sách “thưởng xuất khẩu” cho các doanh nghiệp - Ảnh 1

Cùng với đó cần có biện pháp “nóng” hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua chính sách “thưởng xuất khẩu” để hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp. “Tôi cho rằng giai đoạn này nên áp dụng chính sách “thưởng xuất khẩu”", đại biểu kiến nghị.

Theo đó, những doanh nghiệp nào xuất khẩu được các mặt hàng cần duy trì vào các thị trường mong muốn sẽ được thưởng theo tỷ lệ xuất khẩu nào đó. Đây sẽ là chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn.

GS.TS Hoàng Văn Cường cũng lưu ý phải giữ vững thị trường nội địa, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại. Đại biểu cho rằng thị trường trong nước đang chịu áp lực lớn do hàng hóa của những nước không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ “chảy” sang các nước khu vực lân cận trong đó có Việt Nam. “Nếu không cẩn trọng, hàng hóa của những nước này khi vào Việt Nam sẽ cạnh tranh và có thể sẽ tiêu diệt hàng trong nước. Do đó, chúng ta phải giữ vững thị trường nội địa”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt trong kiểm soát hàng giả, hàng nhái và hàng buôn lậu. Theo đại biểu, “nếu không quyết liệt ngăn chặn  chống buôn lậu sẽ rất nguy hiểm, thậm chí liên quan đến vấn đề chuyển hàng vào trong nước sau đó “đội lốt” và thay nhãn mác… sẽ có nguy cơ gây triệt tiêu sản xuất trong nước”.

Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng cần tập trung làm kiên quyết, triệt để, liên tục để kiểm soát thị trường hàng giả, hàng nhái, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái cũng sẽ góp phần bảo vệ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Thực tế đã có những sản phẩm hàng hóa truyền thống, sản phẩm của doanh nghiệp nổi tiếng không thể tồn tại, phát triển được bởi hàng nhái cạnh tranh.

Đại biểu cũng đề nghị cần phải thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Bên cạnh việc tiếp tục giảm thuế VAT 2% để khuyến khích tiêu dùng, cần giãn thời gian thi hành một số luật như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; tiếp tục tiếp tục giãn, hoãn các khoản thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp.

Cần đẩy mạnh các chính sách khuyến khích, thu hút khách du lịch quốc tế thông qua thử nghiệm  giảm (thậm chí miễn) phí visa từ nay đến cuối năm, rút ngắn thời gian cấp thị thực. Cùng với đó nên áp áp dụng thưởng cho những tour đón được du khách ở các thị trường ưu tiên, có sức tiêu dùng cao, để từ đó khuyến khích du lịch quốc tế.

Đáng chú ý, đại biểu đề xuất thúc đẩy phát triển kinh tế đêm bằng các chính sách hỗ trợ mặt bằng, miễn thuế, nới lỏng các biện pháp kiểm soát, không giới hạn thời gian các hoạt động kinh tế đêm thí điểm ở các trung tâm du lịch, để thu hút du khách.

ĐỀ XUẤT NHÂN RỘNG CƠ CHẾ THÁO GỠ VƯỚNG MẮC PHÁP LÝ CHO CÁC DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN TỒN ĐỌNG

Đối với động lực đầu tư, mặc dù Chính phủ đang quyết liệt đẩy mạnh nhưng theo đại biểu đầu tư công trong năm 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đại biểu cho rằng không chỉ đầu tư công theo truyền thống như trước đây mà cần thay đổi, khuyến khích sang khu vực đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư tư nhân.

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 198/2025/QH15 về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân sẽ tạo động lực mạnh mẽ để khích lệ tinh thần doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế. Đại biểu đề nghị đẩy nhanh cơ chế đặt hàng của Chính phủ cho các doanh nghiệp lớn thực hiện các nhiệm vụ đầu tư của nhà nước, dự án đầu tư công, góp phần giải ngân vốn đầu tư công nhanh, tạo động lực lan tỏa cho các doanh nghiệp khác cùng phát triển.

Cần áp dụng chính sách “thưởng xuất khẩu” cho các doanh nghiệp - Ảnh 2

Cũng theo GS Hoàng Văn Cường, một trong những khu vực tăng trưởng vốn nhiều nhất là bất động sản. Trong giai đoạn này cần có giải pháp khuyến khích tăng trưởng bất động sản, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản dở dang, tồn đọng.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện nay thị trường đang có hơn 2.200 dự án bất động sản với tổng vốn đầu tư 5,9 triệu tỷ đồng, sử dụng gần 350 nghìn ha đất đang triển khai dở dang phải dừng lại do vướng mắc về pháp lý. Do đó, đại biểu đề xuất cho phép nhân rộng áp dụng các cơ chế như Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội đã cho phép tháo gỡ với các dự án tại Tp.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Khánh Hòa cho các dự án khác trên toàn quốc để giải phóng nguồn lực tồn đọng.

“Nếu các nguồn lực này được giải phóng sẽ là yếu tố đóng góp lớn cho tăng trưởng trong giai đoạn này”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói. Bên cạnh đó, khi tập trung vào đẩy nhanh phát triển nhà ở xã hội tốt sẽ tạo ra tăng trưởng bền vững.