Cần 'khế ước' để đánh giá mức độ tín nhiệm

Admin

TP - Theo đại biểu Quốc hội, nếu trước khi được bầu hoặc phê chuẩn, các chức danh này có chương trình hành động, sẽ được coi như “khế ước”, và khi đó đại biểu sẽ “soi” vào đó lấy đó làm căn cứ để xem xét, đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Báo cáo việc thực hiện lời hứa ra sao?

Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Cần 'khế ước' để đánh giá mức độ tín nhiệm ảnh 1

Ngày 30/5, ĐBQH thảo luận về dự thảo nghị quyết lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm (ảnh minh họa) ảnh: Như Ý

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau), căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm trên thực tiễn rất khó, bởi nếu chỉ theo dõi thông tin trên báo chí thì không đủ, còn căn cứ vào báo cáo của từng chức danh lại không có, vì luật và nghị quyết không quy định phải báo cáo. “Trước mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm không có báo cáo của các chức danh. Vậy căn cứ vào đâu để chúng ta lấy phiếu tín nhiệm ?”, ông Vân băn khoăn.

“Về hệ quả đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm, có ý kiến cho rằng, việc bỏ phiếu tín nhiệm nên được xác định là một công đoạn trong quá trình xem xét kỷ luật đối với cán bộ là người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn… Do đó, ý kiến này đề nghị trong trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có từ quá nửa tổng số đại biểu trở lên đánh giá không tín nhiệm thì cần áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, đó là Quốc hội, HĐND tiến hành bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức đối với người đó” Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Đại biểu Đoàn Cà Mau nêu giả thiết, nếu trước khi được bầu hoặc phê chuẩn, các chức danh này có chương trình hành động thì đấy được coi như “khế ước” thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Khi đó các ĐBQH sẽ có căn cứ và “soi” vào đó để xem xét, kiểm đếm việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh đó. Nhưng vì không có “khế ước” gì nên các ĐBQH khó có căn cứ để đong đếm, định lượng đâu là người làm được việc, đâu là người không làm được việc.

“Ngay cả dự thảo nghị quyết cũng không khắc phục vấn đề này, đó là không quy định yêu cầu phải có báo cáo công tác, báo cáo kết quả hoạt động. Theo tôi, phải có quy định làm căn cứ. Dự thảo nghị quyết nên quy định về vấn đề này để làm căn cứ cho ĐBQH trong việc lấy phiếu tín nhiệm”, ông Vân nêu quan điểm.

Trong khi đó, ĐBQH Hà Phước Thắng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm nên căn cứ vào năng lực chuyên môn của người được lấy phiếu tín nhiệm. Đồng thời, cần quy định thời gian công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm, chậm nhất 3 ngày sau khi có nghị quyết xác định kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Theo ĐBQH Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận), để bảo đảm kết quả bỏ phiếu khách quan, trung thực, đánh giá đầy đủ năng lực, tín nhiệm thì thông tin cung cấp cho đại biểu rất quan trọng. Do đó, ngoài báo cáo của những người thuộc diện lấy phiếu thì vai trò các cơ quan của Quốc hội rất lớn trong việc cung cấp thông tin đến đại biểu. “Ví dụ, các cơ quan của Quốc hội cần báo cáo xem việc xây dựng pháp luật thế nào, thực hiện lời hứa của những người thuộc diện lấy phiếu ra sao? Các cơ quan Quốc hội có tổng hợp đầy đủ và cung cấp thông tin, lúc đó đại biểu mới nắm rõ và việc bỏ phiếu mới chính xác, còn không thì rất khó”, ông Sỹ cho hay.

Bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là miễn nhiệm

Về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, phải có điều khoản trong dự thảo nghị quyết. Sau khi Ban kiểm phiếu có kết quả, nếu ai có số phiếu “tín nhiệm thấp” từ 50% trở lên thì trình luôn, lập tức triển khai thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, chứ không quy định chung chung. Như vậy mới khẳng định được bản chất và ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) đề nghị lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong vòng 5 năm. Lần đầu là sau 2 năm được bổ nhiệm, giúp rà soát, xem xét năng lực cán bộ đó ở vị trí được bầu, bổ nhiệm, đồng thời là một trong những kênh để rà soát, quy hoạch cho nhiệm kỳ sau.

Còn lần lấy phiếu tín nhiệm thứ hai là 4 năm sau khi giữ chức, xem xét cho nhiệm kỳ mới. Sau 4 năm, cán bộ nào làm tốt đều biết cả rồi. Đây là kênh để rà soát, bổ sung, quy hoạch hoặc loại bỏ quy hoạch cán bộ không được tín nhiệm.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận đề xuất chỉ đưa ra 2 mức “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm thấp”. Đối với những người có số phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50%, sẽ xem xét bỏ phiếu tín nhiệm. Qua mỗi nhiệm kỳ, ai có “tín nhiệm thấp”, “không được tín nhiệm”, lúc bỏ phiếu sẽ có 2 mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Khi đó, ai có số phiếu “không tín nhiệm” trên 50% hoặc trên 75% thì tuỳ mức độ sẽ loại ra khỏi quy hoạch, cho thôi chức.

Đại diện cơ quan soạn thảo, ĐBQH Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là hai nấc khác nhau. Bỏ phiếu tín nhiệm là hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm. Khi lấy phiếu tín nhiệm, nếu trường hợp trên 50% phiếu “tín nhiệm thấp” trở lên thì khuyến khích xin từ chức. Nếu họ không từ chức lúc đó sẽ đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. “Bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là miễn nhiệm”, bà Thanh nói.

Về đối tượng không lấy phiếu tín nhiệm, ĐBQH Nguyễn Thị Thanh cho hay, chỉ duy nhất người bị bệnh hiểm nghèo không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên thì không lấy phiếu. Đây cũng là đối tượng bổ sung mới so với Quy định số 96. “Ban đầu, Ban soạn thảo thiết kế thời hạn 3 tháng, nhưng đa số đều cho rằng như vậy quá ngắn và 6 tháng trở lên là phù hợp. Vì thế, Ban soạn thảo tiếp thu và đưa quy định này vào dự thảo nghị quyết”, Trưởng Ban Công tác đại biểu lý giải.