Cấu trúc phức tạp của chiếc máy tính 2.000 năm tuổi

Admin

Các nhà khoa học cho rằng thiết bị này sở hữu cấu trúc rất phức tạp, có thể theo dõi Mặt Trời và Mặt Trăng.

Cấu trúc phức tạp của chiếc máy tính 2.000 năm tuổi ảnh 1

Chiếc máy tính cổ đại có niên đại khoảng 2.000 năm. Ảnh: Buenamente.

"Chiếc máy tính đầu tiên", hay còn được gọi là cỗ máy Antikythera, có niên đại khoảng 2.000 năm với cấu trúc rất phức tạp. Về cơ bản, nó là một loại lịch thiên văn được phát hiện lần đầu tiên trong vụ đắm tàu ​​ở Hy Lạp vào năm 1901.

Các nhà nghiên cứu đã xác định rằng loại lịch này là một công cụ đo thời gian chạy bằng tay. Nó sử dụng hệ thống lên dây cót để theo dõi Mặt Trời, Mặt Trăng và thậm chí cả thời gian của các hành tinh.

Do theo dõi Mặt Trăng, nó cũng hoạt động như một lịch nhằm tính các chu kỳ của vệ tinh này và khoảng thời gian xảy ra nhật thực. Đó là một phần công nghệ rất phức tạp khiến các nhà khoa học phải “vò đầu bứt tai”.

Chiếc đồng hồ lên dây cót này nghe đơn giản, nhưng các cơ chế được sử dụng trong nó dường như đã đi trước thời đại rất lâu. Trên thực tế, chúng có cấu trúc phức tạp hơn bất kỳ công cụ nào từng được phát hiện ra trong 1.000 năm qua. Không may, thiết bị chỉ còn 82 mảnh riêng biệt, bằng 1/3 so với cấu trúc ban đầu.

Cấu trúc phức tạp của chiếc máy tính 2.000 năm tuổi ảnh 2

Một phần của Antikythera được trưng bày tại bảo tàng ở Hy Lạp. Ảnh: Reuters.

Các vật liệu bao gồm 30 bánh răng bằng đồng đã bị ăn mòn, khiến các nhà khoa học không thể có cái nhìn tổng thể. Để phác họa rõ hơn về thiết bị, các chuyên gia tại Đại học College London đã sử dụng hệ thống mô hình 3D để giải quyết bí ẩn về cách thức hoạt động.

Nghiên cứu này tiết lộ rằng chiếc máy tính đầu tiên là “sự sáng tạo tài tình”. Các nhà nghiên cứu đã trình bày chi tiết về thiết bị và mô hình hoạt động chuyên sâu trong một bài viết được đăng trên tạp chí Scientific Reports.

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu tin rằng thiết bị có khả năng theo dõi nhiều hơn những gì con người mong đợi trong khoảng thời gian đó.

"Việc giải mô hình 3D này tiết lộ một sáng tạo thiên tài, kết hợp giữa thiên văn học Babylon, toán học của Plato và các lý thuyết thiên văn Hy Lạp cổ đại", nhóm nghiên cứu viết trong phần tóm tắt báo cáo.

Những dụng cụ này đã cho giới khoa học một cái nhìn sâu sắc và độc đáo về thế giới của thời cổ đại. Những khám phá gần đây như ngôi đền dưới đáy biển Pozzuoli cũng cung cấp nhiều thông tin hấp dẫn về khoảng thế kỷ I trước Công nguyên.


Link gốc: https://zingnews.vn/cau-truc-phuc-tap-cua-chiec-may-tinh-co-dai-post1437792.html?

Theo Zingnews