Vừa kết thúc buổi học kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Thu Trang (26 tuổi) di chuyển bằng thang máy từ tầng 31 xuống tầng một của tháp văn phòng Landmark 72 - tòa nhà cao nhất Hà Nội.
Đồng hồ điểm 11h30, toàn bộ tòa nhà bị cắt điện đột ngột. Bóng đèn vụt tắt, thang máy dừng di chuyển. Cô gái trẻ cùng hơn chục người có trải nghiệm “tưởng như chỉ có trong phim” kéo dài hơn 10 phút trong chiếc thang máy mắc kẹt ở tầng 24.
Hoang mang
Trưa 8/6, Thu Trang cho biết phía trong thang máy chật kín người. Lúc ánh đèn bắt đầu nhấp nháy, không ai nghĩ về sự cố sắp xảy đến. Chỉ sau vài giây, toàn bộ đèn bị tắt, thang máy chìm trong bóng tối và dừng di chuyển.
Một số người ngay lập tức gọi cho bộ phận kỹ thuật của tòa nhà để nhờ trợ giúp. Phía bên kia đầu dây, thông tin báo về là sự cố xảy ra do mất điện, chỉ 1-2 phút sau điện dự phòng sẽ được cấp để thang hoạt động bình thường.
“Lúc này, quạt thông gió và điều hòa không hoạt động. Chờ đợi khoảng 5 phút không thấy gì, tôi bắt đầu hoang mang và mọi người cũng dần thấy khó thở”, Trang kể.
Cô gái cho biết do vừa hoàn thành lớp kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, phía trong thang lúc này có một chiến sĩ công an là giảng viên của lớp. Anh này liên tục trấn an những người phía trong đồng thời liên lạc các đầu mối giải quyết sự cố của tòa nhà.
“Sự việc này trước đây tôi chỉ thấy trên phim, không nghĩ mình sẽ gặp phải. Rất may đồng chí công an đã giúp chúng tôi cùng nhau giữ bình tĩnh, không hoảng loạn. Cũng là sự trùng hợp khi tôi vừa học xong lớp PCCC & CNCH lại được thực hành luôn”, cô tiếp lời.
Thời điểm Trang bị kẹt trong thang máy tòa nhà Landmark 72. Cùng thang còn có một chiến sĩ công an là giảng viên của lớp PCCC & CNCH. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Sau hơn 10 phút hệ thống điện chưa được cấp lại, một nam thanh niên đã tìm cách cậy cửa thang máy. Trùng hợp, điểm dừng của thang khớp với lối ra của tầng 24. Họ đã may mắn thoát ra ngoài. Tuy nhiên, thang thoát hiểm lúc này phải rất khó khăn mới có thể mở ra được để những người vừa gặp nạn có thể tự đi bộ xuống tầng 1.
Không may mắn như thang máy của Trang, một thang máy khác gặp sự cố ở tầng 17 có sàn cabin cao hơn thềm nhà khoảng 1 m. Nhiều người phía trong phải chờ nhân viên cứu hộ để thoát ra ngoài.
Nhiều tòa chung cư, văn phòng phát cảnh báo đến cư dân về tình trạng cắt điện đột ngột. Ảnh: H.Q. |
Theo lãnh đạo UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) sự cố xảy ra do phía điện lực cắt điện đột ngột, tòa nhà không được báo trước. Những người trong thang máy bị kẹt sau đó đã ra ngoài an toàn. “Sự việc không khiến ai bị thương. Sau đó, tòa nhà đã chạy máy phát điện để khôi phục lại hoạt động”, lãnh đạo phường Mễ Trì nói.
Cũng trong sáng 8/6, anh Q.H. (ở chung cư Royal City) cũng gặp tình trạng mất điện đột ngột khi đang trong thang máy ở tầng 22. Lần thứ 3 gặp sự cố tương tự cùng kinh nghiệm đảm bảo an toàn tại các công trường đã giúp người đàn ông giữ bình tĩnh.
Theo phản xạ, anh mở đèn pin điện thoại soi về phía bảng điều khiển để tìm thông tin hỗ trợ. Sau khoảng một phút cabin thang di chuyển nhờ hệ thống điện dự phòng.
Giữ sự bình tĩnh là điều cốt tử
Theo dõi các sự cố thang máy bị dừng hoặc mắc kẹt xảy ra những ngày qua, ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam, nhận định nguyên nhân chính dẫn đến các sự cố kể trên là mất điện đột ngột. Tuy nhiên, không phải tất cả thang máy khi mất điện đều bị kẹt.
Theo ông Đức, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện quy định các thang máy phải được trang bị bộ cứu hộ tự động ARD (Automatic Rescue Device) hoặc ERD (Elevator Rescue Device) đồng thời cung cấp điện dự trữ cho hệ thống thang máy khi mất điện nhờ nguồn dự trữ.
Khi mất điện đột ngột, thiết bị tự cứu hộ này tự động cung cấp điện để đưa thang máy về tầng gần nhất và mở cửa cho người thoát ra ngoài. Thời gian từ lúc mất điện cho đến lúc cửa mở ra khoảng một phút và bộ cứu hộ tự động hoạt động trên một nguồn ắc quy dự phòng.
“Hiện nay, việc trang bị hệ thống thang máy này là bắt buộc. Những thang bị kẹt trong thời gian qua chủ yếu không có bộ cứu hộ tự động hoặc có nhưng không hoạt động”, ông Đức nói và cho biết không loại trừ khả năng một sự cố kỹ thuật khác đồng thời xảy ra khi mất điện khiến thang bị kẹt.
Sàn cabin thang máy ở quá cao có thể khiến người phía trong bị rơi xuống hố thang hoặc trượt ngã. Ảnh: D.V. |
Khi xảy ra sự cố, ông Hải Đức cho biết lực lượng cứu nạn tại chỗ phải được đào tạo bài bản bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Đặc biệt, chuyên gia lưu ý khi đưa người mắc kẹt ra khỏi thang máy, sàn cabin thang phải được đưa về đúng vị trí (cao không quá 20 cm so với sàn nhà). Điều này được cảnh báo sẽ gây ngã đồng thời nếu sàn cabin ở quá cao, gây hở hố thang sẽ có nguy cơ người bị rơi xuống hố.
Người dân khi gặp sự cố trong thang máy điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh. Nguyên nhân được ông Đức lý giải là khi càng tỏ ra hoảng loạn, cơ thể sẽ tiêu hao oxy nhanh hơn dẫn tới ngạt thở, đồng thời nguy cơ xảy ra giẫm đạp cũng xảy ra.
Người mắc kẹt sau đó cần nhanh chóng ấn chuông báo động và chờ người tới cứu.
“Tuyệt đối không cạy cửa bởi nếu có tác động, cửa cabin có thể bung khỏi ray hoặc kẹt giữa chừng khiến việc cứu nạn càng khó khăn”, Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam lưu ý thêm.
Cục Cảnh sát PCCC & CNCH (Bộ Công an) khuyến cáo 4 nguyên tắc khi gặp sự cố trong thang máy
Nguyên tắc 1: Giữ bình tĩnh, không la hét, hoảng loạn
- Trong tất cả trường hợp sự cố trong thang máy, người trong thang cần giữ bình tĩnh, hít thở thật sâu và cùng suy nghĩ để có phương án xử lý tối ưu, nên hạ thấp trọng tâm bằng cách ngồi xuống hoặc hơi khuỵu gối, nắm chắc tay vịn, đặc biệt khi thang có hiện tượng trôi nhanh, rung lắc, nhằm đề phòng bị chấn thương khi thang va đập.
- Do thang máy kín, không gian hẹp, hệ thống quạt thông gió có thể ngừng hoạt động, nếu càng la hét và hoạt động mạnh sẽ nhanh chóng làm không khí trở nên ngột ngạt, khó thở vì khi đó lượng oxy trong khu vực thang sẽ giảm nhanh, điều đó khiến trẻ nhỏ, người già hoặc những người có bệnh lý về tim mạch, huyết áp rất dễ ngất xỉu và nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên tắc 2: Bấm các nút chức năng của thang
- Khi thang máy đã ở trạng thái ổn định, thử bấm nút mở cửa, nếu cửa thang mở thì mọi người có thể lần lượt thoát ra ngoài. Tuy nhiên, trước khi bước ra ngoài cần phải quan sát cẩn thận, tránh trường hợp thang dừng lại ở vị trí không khớp với mặt sàn của các tầng, nếu mọi người bước ra ngoài không chú ý dẫn đến bước hụt và tụt xuống giếng thang gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Trường hợp bấm nút mở cửa nhưng thang không mở thì cần bình tĩnh suy xét và bấm các nút khẩn cấp khác (các nút khẩn cấp có hình cái chuông hoặc hình ống nghe điện thoại) để báo động cho bên ngoài đến hỗ trợ.
Nguyên tắc 3: Chèn cửa tạo khe thoáng để bổ sung không khí vào thang
- Để ngăn ngừa tình trạng ngột ngạt, khó thở do thiếu không khí, có thể dùng các vật cứng như chìa khóa để lách vào khe cửa thang máy, sau đó kết hợp dùng các vật dụng khác có kích thước lớn hơn để chèn vào khe cửa thang. Khi khe thang được hé mở, không khí sạch sẽ tràn vào trong thang giúp dễ thở hơn, khi đó nguy cơ ngất xỉu hoặc đột quỵ do thiếu không khí sẽ giảm xuống.
- Trường hợp trong thang máy có sóng điện thoại thì nhanh chóng gọi theo số đường dây nóng ghi trên thang máy để thông báo cho bộ phận kỹ thuật kịp thời đến hỗ trợ. Hoặc có thể gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số 114 đến và sử dụng các phương tiện đặc chủng để tổ chức cứu nạn.
- Ngoài ra, có thể liên hệ với bộ phận trực thang máy hoặc liên lạc với những người bên ngoài bằng cách gọi to, gõ vào thành thang để phát tín hiệu. Tuy nhiên, cần chú ý không nên đập mạnh hoặc đạp vào thành hoặc cửa thang vì những tác động đó có thể làm thang bị trượt, đứt cáp tời dẫn đến thang rơi tự do.
* Nguyên tắc 4: Không thoát nạn qua cửa nóc thang máy
- Trong thời gian chờ đợi, không nên tìm cách mở cửa trên nóc thang và thoát nạn qua đó bởi rất dễ bị trượt, ngã dẫn đến những chấn thương hoặc bị rơi xuống giếng thang.
Link gốc: https://zingnews.vn/co-gai-ke-hon-10-phut-ket-trong-thang-may-keangnam-landmark-72-post1438290.html