Không làm thủ tục vẫn có hàng thông quan
Cuối năm 2024, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T phát đi thông báo khẩn về việc mã số cơ sở đóng gói của doanh nghiệp (mã số VN-BTPH-036) bị làm giả và sử dụng trái phép để
Nhiều doanh nghiệp phản ánh bị mạo danh mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Đáng nói, cơ quan kiểm dịch thực vật và hải quan đều không nhận ra sự bất thường này và đều cho thông quan các lô hàng. Điều này cho thấy việc quản lý mã số vùng trồng cũng như hồ sơ, con dấu trong xuất khẩu đang có kẽ hở để một số doanh nghiệp lợi dụng trục lợi.
Ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ - cho biết, công ty của ông cũng là “nạn nhân” của tình trạng làm giả mạo hồ sơ mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu sầu riêng.
Theo đó, mới đây Công ty TNHH Dương Vũ phát hiện bị 24 công ty khác giả mạo được ủy quyền để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu, dù công ty không thực hiện việc ủy quyền cho các doanh nghiệp này, khiến nhiều container sầu riêng không “chính chủ” trót lọt xuất khẩu sang Trung Quốc. Riêng Công ty TNHH MTV A.A đứng tên 10 container.
Hậu quả là vào tháng 12/2024, phía Trung Quốc đã thu hồi mã số đóng gói của công ty với lý do phát hiện nhiều hợp đồng ủy quyền giả mạo xuất khẩu sầu riêng tươi sang nước này.
“Bao nhiêu công sức của doanh nghiệp để xin được mã số đóng gói cuối cùng bị doanh nghiệp khác giả mạo, phá bỏ", ông Nguyễn Quang Hòa nói.
PV Tiền Phong cũng nhận được thông tin nhiều doanh nghiệp khác phản ánh tình trạng tương tự. Cụ thể, một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng lớn phía Nam mới đây có công văn gửi Cục Bảo vệ thực vật thông báo về việc không ủy quyền mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói của mình cho bất kỳ đơn vị nào vì phát hiện có một số đơn vị trên thị trường đang sử dụng mã số đóng gói của doanh nghiệp này để ký kết hợp đồng, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Bất cập ủy quyền xuất khẩu?
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, hiện chưa có quy định về việc doanh nghiệp phải nộp và xuất trình giấy chứng nhận mã số vùng trồng cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục xuất khẩu. Do đó, cơ quan hải quan không thực hiện đối chiếu mã số vùng trồng khi làm thủ tục xuất khẩu.
"Trách nhiệm của cơ quan hải quan khi làm thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế hàng hóa. Nếu đầy đủ hồ sơ sẽ được thông quan theo quy định, còn việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sẽ do Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN&PTNT các địa phương quản lý", đại diện Tổng cục Hải quan cho hay.
Nhiều đơn vị lợi dụng việc ủy quyền xuất khẩu để giả mạo mã số làm hồ sơ. |
Theo vị đại diện, đến thời điểm này cơ quan hải quan chưa nhận được thông báo hoặc dấu hiệu bất thường liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của Công ty TNHH MTV A.A - doanh nghiệp bị cho là làm giả mạo hồ sơ của nhiều doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, trong tháng 6 và tháng 7/2024, đơn vị này nhận được 2 công văn phản ánh chung về hiện tượng sử dụng, giả mạo mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.
"Những phản ánh này đồng thời được gửi cho Cục Bảo vệ thực vật và chúng tôi đã có công văn chuyển vướng mắc và thông tin xuất khẩu của doanh nghiệp cho Cục này để chủ trì xử lý”, đại diện Tổng cục Hải quan nói.
Trong khi đó, một lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trước nay để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng, những doanh nghiệp được cấp phép mã số cơ sở đóng gói có thể ủy quyền cho nhiều đơn vị khác làm thủ tục xuất khẩu. Danh sách các đơn vị được ủy quyền phải được gửi về Cục Bảo vệ thực vật để theo dõi.
“Một doanh nghiệp được cấp mã số đóng gói có thể ủy quyền cho nhiều doanh nghiệp khác. Điều này dẫn tới trong trường hợp doanh nghiệp liên tục thay đổi danh sách đơn vị ủy quyền hoặc chậm cập nhật danh sách mới, cơ quan chức năng rất khó phát hiện", lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nói và thừa nhận có hiện tượng một số đơn vị lợi dụng kẽ hở này để mạo danh mã số cơ sở đóng gói, vùng trồng để xuất khẩu.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện Cục đã thông báo dừng việc phê duyệt danh sách các đơn vị được ủy quyền xuất khẩu mà chuyển về các địa phương để giám sát nhằm ngăn chặn việc giả mạo, gian lận trong sử dụng mã số xuất khẩu; yêu cầu các doanh nghiệp trong trường hợp không trực tiếp xuất khẩu mà ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác xuất khẩu phải gửi văn bản thông báo về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (tức Chi cục Bảo vệ thực vật) về dự kiến khối lượng xuất khẩu từ vùng trồng trong năm và tên đơn vị xuất khẩu.
Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh sẽ tổng hợp và gửi báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật, cập nhật trên cơ sở dữ liệu để các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng lấy cơ sở làm thủ tục kiểm dịch thực vật. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 20/1.
Được biết, cơ quan công an đã vào cuộc xác minh phản ánh tình trạng giả mạo hồ sơ, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu sầu riêng.