Đẹp lạ với trang phục từ hoa tươi
Chúng tôi đến VQG Cát Tiên (Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước) vào đêm trước khi diễn ra buổi biểu diễn thời trang “Cát Tiên- Bốn mùa xanh lá”. Đêm đã khuya nhưng ê kíp của nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh vẫn tất bật tạo hình hàng chục chiếc váy, áo dài từ hoa và lá. Chị cùng VQG Cát Tiên chuẩn bị tổ chức buổi biểu diễn thời trang để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Môi trường Thế giới (5/6/2023).
Chị kể, khi tham quan VQG, nhìn thấy nhiều loài hoa hoang dại mang vẻ đẹp thuần khiết đua nở trong khu rừng được ví như viên ngọc xanh này, chợt nảy ra ý tưởng sử dụng những đóa hoa rực rỡ, những chiếc lá xanh tươi và cả những cành cây khô rơi rớt trong rừng làm nguyên liệu cho sáng tác. Chị chọn những loại hoa đặc trưng như bằng lăng, muồng đào, chò nâu, thiên điểu, bọ cạp vàng… làm nguyên liệu thiết kế trang phục để khi xem biểu diễn, khán giả sẽ nhận ra ngay đó là sắc màu của VQG Cát Tiên.
Hai nghệ sĩ ưu tú tham gia buổi biểu diễn thời trang ở VQG Cát Tiên. |
“Chưa bao giờ chất liệu thực hiện một bộ sưu tập thời trang lại làm khó bản thân tôi đến như vậy. Do lá và hoa dại dễ héo, chỉ tươi trong một thời gian ngắn nên chúng tôi dùng mút xốp giữ nước và ống giữ nước đính vào bên trong váy áo”, Minh Hạnh tâm sự. Nhìn những bộ trang phục nặng 6-7 kg, một số bộ nặng từ 10-12 kg vì được kết bằng hoa tươi và gỗ khô, một số người không khỏi ái ngại, thốt lên: Thật là mạo hiểm khi biểu diễn thời trang với loại trang phục lạ này. Áo váy nặng như thế, liệu các người mẫu có thể đi đứng uyển chuyển?
Thế nhưng, thực tế, buổi biểu diễn thời trang không chỉ suôn sẻ mà còn rất ấn tượng. Nhờ kinh nghiệm trình diễn dày dặn của đội ngũ người mẫu đi chân trần, hàng chục mẫu thiết kế được trình làng với phom dáng đa dạng, tạo hiệu ứng đẹp mắt; phô diễn nét quyến rũ của bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông luân chuyển trong VQG. Sâu lắng nhất là khi tiếng đàn nhị ma mị của NSƯT Dương Thùy Anh vang lên trong diễn tấu ca khúc Dấu chân địa đàng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cùng điệu múa uyển chuyển của “Chim công làng múa” NSƯT Linh Nga. Sàn diễn thời trang cũng thật ấn tượng bởi đó là khoảng không giữa những cây tung cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có bộ rễ bung dài, tạo nên những bện vè như những bức tường thành giữ cho cây đứng vững trong rừng già.
VQG Cát Tiên rộng hơn 71.000ha nằm trên địa giới 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước. Năm 2001, Vườn được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới; năm 2005, Bàu Sấu được công nhận là khu Ramsar. Nơi đây có hệ thực vật phong phú với hơn 1.600 loài, trong đó có 31 loài có tên trong sách đỏ. Hệ thú gồm 105 loài với 39 loài nằm trong sách đỏ như voi, bò tót, cu li nhỏ, vượn đen má vàng chà vá chân đen...
Ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc VQG Cát Tiên cho rằng: “Đây là màn trình diễn tuyệt vời có một không hai tại Vườn, góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ rừng. Hy vọng sau sự kiện này, những thông điệp về giá trị đặc biệt của Vườn sẽ đến với cộng đồng để ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc gìn giữ môi trường cũng như bảo tồn đa dạng sinh học”.
Đảo Tiên-thiên đường của linh trưởng
Anh Bùi Quốc Vị, hướng dẫn viên VQG Cát Tiên cho chúng tôi biết một tin vui khác: Từ tháng 4 vừa rồi, Trung tâm cứu hộ linh trưởng ở Đảo Tiên đã mở cửa đón khách tham quan trở lại sau mấy năm “bế quan tỏa cảng” do dịch bệnh COVID-19. Trước đại dịch, du khách nước ngoài đến Đảo Tiên rất đông; vừa để tham quan hòn đảo tuyệt đẹp, tận mắt chứng kiến việc cứu hộ các loài thú quý hiếm vừa cổ vũ tinh thần những tình nguyện viên quốc tế. Nhiều đoàn khách hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động ý nghĩa của Trung tâm.
Vượn đen má vàng ở VQG Cát Tiên.ảnh: ANDY |
Ngược về quá khứ, Trung tâm cứu hộ này được khánh thành đưa vào sử dụng từ năm 2008 với nguồn tài trợ của Trung tâm cứu hộ linh trưởng Monkey World (Anh) và sự hợp tác về kỹ thuật của Trung tâm cứu hộ các loài động vật hoang dã đang nguy cấp Ping tung (Đài Loan, Trung Quốc). Tiến sĩ Marina Kenyon Ann (người Anh) được giao quản lý Trung tâm này suốt 15 năm qua. Trước đó, Marina đã chọn đề tài về loài vượn đen má vàng ở VQG Cát Tiên để làm luận án tiến sĩ.
Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận hàng trăm cá thể linh trưởng quý hiếm như vượn đen má vàng, Voọc vá chân đen, Voọc bạc, Cu li nhỏ… trong đó, nhiều loài đang bên bờ vực của sự tuyệt chủng. “Từng bị buôn bán bất hợp pháp, giam cầm, ngược đãi trong thời gian dài nên chúng đều ở trong tình trạng ốm yếu, bệnh tật và nhiều vết thương trên cơ thể; đồng thời bị nhiễm các tập tính do con người huấn luyện. Do đó, việc cứu hộ và phục hồi những bản năng hoang dã của chúng rất khó khăn, cần nhiều thời gian”, anh Vị chia sẻ.
Theo những người công tác lâu năm ở VQG, Marina và các cộng sự đã yêu thương, chữa bệnh cho chúng tận tình như mẹ chăm sóc con. Marina rất cá tính, từng sống hằng tuần trong rừng để lần theo dấu vết của các loài linh trưởng, thu nhặt các mẩu vật từ dấu chân đến phân, thức ăn… để phục vụ việc nghiên cứu. Chị nhớ chính xác từng tập tính và thói quen của các con thú ở đây. “Một lần, có con vượn chết vì vết thương quá nặng, không cứu được, chị ấy khóc, bỏ ăn mấy ngày”, anh Vị chia sẻ.
Năm 2006, NTK Minh Hạnh được Chính phủ Pháp tấn phong danh hiệu Hiệp sĩ nghệ thuật và văn chương. Năm 2018, chị lại được chính phủ Ý trao tặng Huân chương Hiệp sĩ vì có những đóng góp đặc biệt trong việc thiết lập mối quan hệ giữa Ý và các quốc gia khác nhau trên thế giới, bảo tồn và quảng bá văn hóa Ý.
“Sau khi được cứu hộ nhằm phục hồi bản năng tự nhiên, hàng chục cá thể được thả vào rừng để trở về đời sống hoang dã. Lúc cửa lồng vừa mở, những con vượn chạy vọt ra, dáo dác nhìn quanh rồi nhảy tót lên cây, chuyền từ cành này sang cành khác, cất tiếng kêu vang cả khu rừng rồi mất hút trong rừng sâu”, một nhân viên của Trung tâm kể. Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc xúc động tâm sự: Mình hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã tại các tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi mấy năm rồi nhưng rất khó nhìn thấy loài chà vá trong rừng tự nhiên, riêng ở VQG Cát Tiên, mình có thể thấy trực tiếp. Các loài linh trưởng rất khó để tái hòa nhập với thiên nhiên, còn ở đây lại là câu chuyện khác, cho thấy giá trị đặc biệt của VQG Cát Tiên.