Còn 1 tuần đăng ký xét tuyển đại học, những điều thí sinh cần nắm

Admin

Năm 2025 với nhiều thay đổi trong tuyển sinh đại học, Bộ GD-ĐT và các trường thực hiện quy trình xét tuyển, lọc ảo ra sao? Thí sinh cần lưu ý gì để tránh mất cơ hội trúng tuyển?

Xét tuyển - Ảnh 1.

Phụ huynh và học sinh tìm hiểu về cách thức đăng ký xét tuyển tại một gian tư vấn trong Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025 - Ảnh: THANH HIỆP

Thời gian Cách thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của bộ

Thông tin tuyển sinh đã được công bố đầy đủ trên website của các trường đại học. Ngày 21-7, bộ sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe, nhóm ngành đào tạo giáo viên và độ lệch điểm giữa các tổ hợp môn thi THPT theo bách phân vị. 

Riêng độ lệch điểm các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy..., các cơ sở đào tạo sẽ triển khai và công bố. Từ đó thí sinh sẽ biết được độ lệch điểm so với kết quả thi của mình ở các phương thức và tổ hợp xét tuyển, có căn cứ để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng.

"Thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của bộ sẽ kết thúc vào 17h ngày 28-7, sau đó hệ thống sẽ đóng lại. Sau thời gian này, các trường sẽ căn cứ vào dữ liệu có trên hệ thống để tiến hành xét tuyển. Thí sinh cần lưu ý điều này để không bỏ lỡ cơ hội đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng. 

Từ 29-7 đến 17h ngày 5-8, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến qua hệ thống theo vùng miền, cho số lượng nguyện vọng đã đăng ký. Việc hiểu rõ quy trình xét tuyển và những lưu ý trong từng giai đoạn sẽ giúp thí sinh tránh mất cơ hội vào đại học chỉ vì sai sót nhỏ", ông Hùng nhấn mạnh.

Nguyên tắc xét tuyển

Giải thích về nguyên tắc xét tuyển trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - cho biết thời điểm này, tất cả thí sinh phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của bộ, dù trước đó đã đăng ký theo yêu cầu tại các trường và thanh toán lệ phí sau đó. Khi đó tất cả nguyện vọng của thí sinh sẽ được ghi nhận.

Quá trình chạy lọc ảo, việc đầu tiên bộ sẽ trả dữ liệu về cho các trường để tính điểm thưởng (điểm cộng trong tuyển sinh theo quy chế là không vượt quá 10%). Sau khi các trường cộng điểm thưởng, dữ liệu điểm của thí sinh được đẩy lên lại hệ thống của bộ để bắt đầu quá trình xét tuyển.

Còn 1 tuần đăng ký xét tuyển đại học, những điều thí sinh cần nắm - Ảnh 2.Chuyên gia hướng dẫn cách đặt nguyện vọng xét tuyển an toàn, nhiều cơ hội đậuĐỌC NGAY

Quá trình xét tuyển sẽ thực hiện theo cách các trường đưa ra điểm chuẩn dự kiến (mỗi trường sẽ đưa ra một điểm khác nhau ở mỗi ngành). Hệ thống xử lý đăng ký của thí sinh dựa vào thứ tự nguyện vọng, chỉ tính nguyện vọng cao nhất đủ điều kiện đạt điểm chuẩn cho mỗi thí sinh. Nếu rớt nguyện vọng đầu sẽ tự động xét đến các nguyện vọng tiếp theo. 

Ví dụ thí sinh đặt nguyện vọng 1 một ngành vào trường A và vài nguyện vọng khác cùng trường hoặc khác trường. Trường A lấy 25 điểm (gồm điểm thưởng, điểm ưu tiên) và ở nguyện vọng 1, nếu thí sinh có điểm lớn hơn hoặc bằng 25 điểm sẽ trúng tuyển và quá trình xét tuyển của thí sinh này dừng lại.

Khi xét tuyển, tất cả các phương thức đều được xét cùng lúc. Thí sinh có điểm tốt nhất ở phương thức nào đạt mức điểm chuẩn sẽ được trúng tuyển. Đối với các phương thức tuyển sinh riêng (xét học bạ, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, ưu tiên xét tuyển...) nếu thí sinh đã thực hiện theo đúng yêu cầu (nếu có) của các trường thì trên hệ thống có dữ liệu điểm ở mỗi phương thức. Trên hệ thống thí sinh không cần đăng ký phương thức xét tuyển, chỉ đăng ký mã ngành, mã trường.

"Khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống, thí sinh phải sắp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất. Nếu trúng tuyển ở nguyện vọng cao hơn, các nguyện vọng sau sẽ tự động bị hủy. Vì vậy nguyện vọng yêu thích nhất cần đặt ở vị trí số 1 dù cơ hội trúng tuyển nhiều hay ít", ông Nhân khuyên.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho biết thí sinh có quyền đăng ký nhiều nguyện vọng và nhiều trường, xen lẫn nhau nhưng chỉ có thể trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất đủ điều kiện, căn cứ vào mức điểm và các tiêu chí xét tuyển của trường đó. Điều này yêu cầu thí sinh cần hết sức chú ý khi sắp xếp thứ tự nguyện vọng, để đảm bảo cơ hội trúng tuyển vào ngành học mình yêu thích.

Lọc ảo ra sao?

Theo TS Phạm Tấn Hạ - Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), quá trình lọc ảo trong xét tuyển đại học là một kỹ thuật được sử dụng để loại bỏ các thí sinh trùng nguyện vọng hoặc không đủ điều kiện trúng tuyển vào một ngành học nào đó.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường sẽ phối hợp sử dụng phần mềm để lọc nguyện vọng trên toàn quốc, đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất mà họ đã đăng ký, tránh tình trạng một thí sinh trúng tuyển vào nhiều ngành/trường cùng lúc.

"Quá trình lọc ảo không chỉ diễn ra trong một trường, mà còn diễn ra giữa các trường và ngành học khác nhau. Bộ sẽ thực hiện lọc ảo trên phạm vi toàn quốc để đảm bảo không có sự trùng lặp giữa các thí sinh, đồng thời các trường sẽ nhận đủ số lượng thí sinh trúng tuyển theo chỉ tiêu tuyển sinh của mình", ông Hạ giải thích thêm.

Theo lịch tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ có 6 lần lọc ảo (xử lý nguyện vọng) diễn ra từ ngày 16-8 đến 17h ngày 20-8.

Kiểm tra kỹ thông tin

ThS Lê Văn Hiển, phụ trách phòng đào tạo Trường đại học Luật TP.HCM, nhấn mạnh rằng thí sinh cần kiểm tra kỹ lưỡng thông tin tuyển sinh của các trường, gồm ngành học, phương thức xét tuyển, tổ hợp môn và các tiêu chí phụ. Mỗi trường có yêu cầu riêng biệt, vì vậy việc tham khảo thông tin chính thức trên website của các trường là rất quan trọng.

Ông cũng đặc biệt lưu ý về việc cập nhật chứng chỉ ngoại ngữ nếu thí sinh muốn sử dụng chứng chỉ này trong hồ sơ xét tuyển. Các trường có thể yêu cầu thí sinh nộp chứng chỉ ngoại ngữ hoặc cập nhật lên hệ thống tuyển sinh. Nếu không thực hiện, chứng chỉ ngoại ngữ đó sẽ không được tính khi xét tuyển.

Xét tuyển đại học được thực hiện thế nào? - Ảnh 2.Những lưu ý quan trọng khi đặt nguyện vọng xét tuyển đại học

ThS Phạm Thanh Hà, Trường đại học Ngoại thương, lưu ý để tăng cơ hội trúng tuyển ngành học yêu thích, thí sinh không nên đặt quá ít nguyện vọng, cũng không nên đặt tất cả nguyện vọng vào một trường.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề