‘Cuộc cách mạng’ tinh gọn bộ máy

Admin

TPO - Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan của Quốc hội.

Sáng 20/11, bên hành lang Quốc hội, câu chuyện “

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Ảnh: Như Ý.

Theo Tổng Bí thư, trong khi các nước mức chi là hơn 40%, ít nhất phải được trên 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội... “Chúng ta so sánh thôi cũng vô cùng sốt ruột. Cứ phình ra như thế, cứ như thế… Vì sao không thể tăng lương, vì tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ thì chi cho bộ máy sẽ lên đến 80 - 90% chi ngân sách. Làm gì còn tiền ngân sách để làm các hoạt động khác”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cũng tại Quốc hội, khi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thẳng thắn nói, trên thế giới, chưa có nước nào có đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhiều như Việt Nam, kể cả cấp tỉnh cũng vậy. Vì thế, cũng chưa có đất nước nào mà chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói, trên thế giới, chưa có nước nào có đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhiều như Việt Nam, kể cả cấp tỉnh cũng vậy. Vì thế, các cấp, các ngành cần “tinh thần sẵn sàng”, chứ không chỉ sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã.

Nhắc lại tinh thần của Tổng Bí thư về sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có cả hệ thống hành chính Nhà nước, cả cơ quan Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan Đảng, đặc biệt các đơn vị hành chính, bà Trà cho rằng, các cấp, các ngành cần “tinh thần sẵn sàng”, chứ không chỉ sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã.

Tại cuộc làm việc với Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, tập trung hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Trong đó, khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 18 về tinh gọn tổ chức bộ máy với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, thống nhất về tư tưởng của cả hệ thống chính trị.

Theo Tổng Bí thư, đây là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, trong đó chú trọng công tác thẩm định, đánh giá cán bộ; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ cấp cơ sở; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung làm động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Thông suốt tư tưởng, hành động

Trước đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn đất nước, là vấn đề được cử tri mong chờ, đón nhận, chưa đầy một ngày sau khi kết thúc đợt 1 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp để xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (sáp nhập huyện, xã) giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, TP Hà Nội, Hà Tĩnh, TPHCM, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.

‘Cuộc cách mạng’ tinh gọn bộ máy ảnh 3‘Cuộc cách mạng’ tinh gọn bộ máy ảnh 4‘Cuộc cách mạng’ tinh gọn bộ máy ảnh 5

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: Như Ý.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng, 100% thành viên có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua phương án sáp nhập cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố. Nghị quyết được ban hành đã mở đường cho các địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính để chuẩn bị cho Đại hội đảng bộ các cấp.

4 ngày sau cuộc họp trên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành Nghị quyết số 1297 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 và đề xuất đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Kết quả sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương để trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Việc thực hiện tổng kết sẽ theo tinh thần Nghị quyết số 18, yêu cầu tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách; nghiên cứu việc giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp. Nghị quyết cũng yêu cầu quy định số lượng với tỷ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, uỷ viên thường trực, uỷ viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội theo hướng giảm số lượng cấp phó và uỷ viên thường trực. Đồng thời, nghị quyết yêu cầu sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

‘Cuộc cách mạng’ tinh gọn bộ máy ảnh 6

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Như Ý.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng ký Quyết định số 1403 thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Theo quyết định, Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nhiệm vụ, giải pháp để triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới, sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Ban Chỉ đạo cũng nghiên cứu, đề xuất về đổi mới, sắp xếp hệ thống tổ chức cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng Đề án tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ và đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI (nhiệm kỳ 2026-2031)... Điều này thể hiện sự thống nhất, đồng lòng của Đảng, Nhà nước trong “cuộc cách mạng về cải cách bộ máy”.

Sắp xếp các cơ quan theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) ủng hộ quan điểm “rất cần thiết” phải thực hiện yêu cầu tinh gọn bộ máy, không chỉ với cấp xã, cấp huyện, mà còn phải thực hiện với cả cấp tỉnh và các bộ, ngành trung ương. “Đất nước ta chỉ có 100 triệu dân, nhưng có đến 63 tỉnh, thành, như thế là quá lớn”, ông Hòa nói. Hay với cấp bộ, tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, “Bộ trong Bộ” còn tồn tại.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc tổ chức một cách hợp lý các đơn vị hành chính với quy mô về diện tích, dân số phù hợp “không chỉ ở cấp xã, cấp huyện mà còn đối với cấp tỉnh”. Đây là một trong những điều kiện căn bản và cần có sự nghiên cứu, chuẩn bị với tầm nhìn chiến lược, xuất phát từ đặc điểm, nhu cầu phát triển của địa phương chứ không phải chỉ để thực hiện các “yêu cầu, mệnh lệnh”.

‘Cuộc cách mạng’ tinh gọn bộ máy ảnh 7

PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, cần một cuộc cách mạng thực sự về bộ máy để phát triển đất nước. Ảnh: PV.

“Cần một cuộc cách mạng thực sự về bộ máy” - PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nêu. Theo ông Thông, gần 40 năm đổi mới vừa qua có thể gọi là "kỷ nguyên đổi mới" - kỷ nguyên làm nên những kỳ tích của Việt Nam, đã giải phóng được những nguồn lực phát triển rất lớn để Việt Nam có được cơ đồ, vị trí như ngày nay.

Tuy nhiên, theo ông Thông, những động lực, nguồn lực phát triển trong 40 năm qua đã đến ngưỡng, nếu không tạo ra động lực mới, không tạo ra xung lực mới thì sẽ bị luẩn quẩn trong bẫy thu nhập trung bình. "Có thể nói, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc nghĩa là bước vào cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta phải tổ chức lại lực lượng, tạo ra động lực mới, nguồn lực mới để tạo ra những bước nhảy vọt, có tính đột phá để đất nước phát triển, có thu nhập cao", ông Thông nhấn mạnh.

Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, ông Thông cho rằng cần chuyên nghiệp, hiệu quả trong các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Toàn bộ tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc của một thiết chế dân chủ nghị trường, khắc phục những biểu hiện “hành chính hóa” trong hoạt động Quốc hội. Đổi mới mạnh mẽ hoạt động lập pháp để tháo gỡ những nút thắt về thể chế đang gây khó khăn cho sự phát triển. Cần kiên quyết chuyển đổi tư duy xây dựng luật để vừa bảo đảm yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng mọi nguồn lực xã hội cho phát triển.

"Có thể nói, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc nghĩa là bước vào cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chúng ta phải tổ chức lại lực lượng, tạo ra động lực mới, nguồn lực mới để tạo ra những bước nhảy vọt, có tính đột phá để đất nước phát triển, có thu nhập cao", PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.

Cùng với đó, theo ông Thông cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao kỹ thuật xây dựng luật theo hướng, luật chỉ quy định hành lang pháp lý có tính nguyên tắc, tạo khuôn khổ thông thoáng cho việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, không luật hóa các nghị định, thông tư của Chính phủ, các bộ. Quốc hội chỉ ban hành luật thuộc phạm vi thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp, bảo đảm thẩm quyền lập quy của Chính phủ để xử lý kịp thời, linh hoạt những vấn đề của thực tiễn. Nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện luật bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân để năng cao chất lượng các đại biểu được bầu vào Quốc hội, đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, tầm nhìn trong thảo luận và quyết định chính sách pháp luật.

Đặc biệt, ông Thông đề nghị nghiên cứu sắp xếp hợp lý các cơ quan thuộc Quốc hội theo nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực, từ đó hợp nhất một số nhất một số cơ quan Quốc hội có nhiệm vụ, chức năng gắn bó mật thiết với nhau để giảm bớt số lượng các ủy ban, tinh gọn bộ máy của Quốc hội; đồng thời, đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong ý nghĩa là hai trụ cột cơ bản của Quốc hội.

Trên cơ sở những nguyên tắc xuyên suốt đã xác định, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, ý kiến các cơ quan, đơn vị qua tổng kết; ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài… để đề xuất cụ thể việc tinh gọn các ban Đảng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Quốc hội, các đoàn thể; chủ động nghiên cứu mô hình bên trong từng cơ quan sau khi sáp nhập, hợp nhất.