Đánh thức tiềm lực quốc gia

Admin

TP - “Khi chúng ta thực sự xem đây là một cuộc cách mạng về tư duy và tổ chức, khi từng địa phương, từng cán bộ, từng người dân đều tham gia vào sự chuyển mình này, thì Việt Nam sẽ có đủ thế và lực để bước vào kỷ nguyên mới - một kỷ nguyên mà mọi nguồn lực đều được phát huy tối đa, mọi tiềm năng đều được đánh thức”, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội trò chuyện với Tiền Phong.

Cảm hứng từ khát vọng vươn mình

Nhìn lại tiến trình lịch sử, ông đánh giá gì về những thành quả đất nước ta đã đạt được từ đại thắng mùa xuân 1975 đến nay?

Ngày 30/4/1975 mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: Kỷ nguyên của hòa bình, thống nhất và phát triển.

Từ năm 1986 đến nay, chúng ta đã chứng kiến một hành trình phi thường, tăng trưởng kinh tế liên tục, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nền văn hóa ngày càng đa dạng và giàu bản sắc, hệ thống chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh vững mạnh, vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao.

Chúng ta đã trở thành thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, đối tác chiến lược toàn diện của nhiều cường quốc, nơi tổ chức những hội nghị quốc tế lớn, trong đó có Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội - minh chứng rõ nét cho vị thế “Việt Nam - đất nước của hoà bình”.

Nhưng điều kỳ diệu nhất chúng ta tạo dựng được chính là niềm tin của nhân dân vào tương lai đất nước. Niềm tin ấy không chỉ đến từ những con số kinh tế tăng trưởng, mà đến từ sự đổi thay hiện hữu. Đó là những tuyến cao tốc hiện đại nối liền các vùng miền, những đô thị thông minh đang dần hình thành, những công trình nghiên cứu, đổi mới sáng tạo mang dấu ấn Việt Nam, những lớp thanh niên tài năng đang hội nhập toàn cầu với tâm thế tự tin, bản lĩnh.

Cảm hứng, suy nghĩ của ông khi đứng trước thời điểm khởi đầu Kỷ nguyên phát triển của dân tộc?

Đứng trước thềm Đại hội XIV - mốc khởi đầu cho kỷ nguyên phát triển mới, chúng ta lại một lần nữa được truyền cảm hứng bởi khát vọng vươn mình.

Kỷ nguyên mới đòi hỏi một “tầm nhìn Việt Nam”, một khát vọng lớn, dám nghĩ dám làm, dám vượt giới hạn. Chúng ta đã từng chiến thắng kẻ thù mạnh hơn gấp bội phần, không có lý do gì để không chiến thắng chính mình - những rào cản tư duy, sự trì trệ, những thách thức nội tại đang ngăn cản sự phát triển.

Việt Nam của kỷ nguyên mới phải là Việt Nam của đổi mới sáng tạo, của nhân văn và trí tuệ, của hội nhập sâu rộng và phát triển xanh - bền vững.

Chúng ta đã đi qua nửa thế kỷ thống nhất để chứng minh với thế giới rằng, một dân tộc nhỏ bé có thể tạo nên những điều vĩ đại nếu có khát vọng lớn và tinh thần đoàn kết. Khát vọng ấy đang tiếp tục thắp sáng hành trình phía trước, hành trình của một dân tộc đang vươn mình mạnh mẽ giữa kỷ nguyên toàn cầu hóa, viết tiếp bản hùng ca Việt Nam.

Không có sự đổi mới nào là dễ dàng

Nhiều chuyên gia nhận định, một trong những tiền đề cho kỷ nguyên vươn mình chính là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Ông nhìn nhận, đánh giá gì về điều này?

Đó là cuộc cách mạng mang tầm vóc chiến lược. Việc hợp nhất các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, không chỉ là thay đổi về mô hình tổ chức, mà sâu xa hơn, là bước chuyển về tư duy quản trị quốc gia. Đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang thực sự dũng cảm tự đổi mới chính mình, xây dựng một Nhà nước phục vụ, năng động, hiệu lực và hiệu quả.

Tất nhiên, không có sự đổi mới nào là dễ dàng. Việc tổ chức lại bộ máy cũng đặt ra không ít thách thức. Nhưng chính trong thử thách ấy, ý chí chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, cùng sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân, đã chứng minh chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện những cuộc cải cách lớn.

Sau tinh gọn tổ chức bộ máy, chúng ta tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính: Bỏ cấp huyện, hợp nhất tỉnh, thành phố, sáp nhập cấp xã. Ông kỳ vọng gì về hiệu quả mang lại trong lần sáp nhập này?

Đánh thức tiềm lực quốc gia ảnh 1

Hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ trong những năm qua

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Cơ cấu tổ chức này hướng đến mục tiêu chính quyền, cán bộ gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn”. Việc sáp nhập các tỉnh, thành phố không chỉ giúp tinh giản bộ máy, giảm thiểu tầng nấc trung gian, mà còn tạo điều kiện để tái cơ cấu không gian phát triển. Những địa phương sau khi hợp nhất sẽ có quy mô lớn hơn, nguồn lực dồi dào hơn, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư. Đây chính là cơ hội để các vùng kinh tế trọng điểm được hình thành, phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

Để đạt hiệu quả cao nhất, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Đó phải là xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm và tiềm năng của từng vùng; đầu tư hệ thống giao thông, y tế, giáo dục và công nghệ thông tin để kết nối và phục vụ người dân hiệu quả; bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu của bộ máy mới.

Lấy lợi ích của nhân dân làm kim chỉ nam

Với sự chuẩn bị và quyết tâm như vậy, cần phải làm gì để Việt Nam tiếp tục là quốc gia có sức hấp dẫn, điểm thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư và có vị trí ngày càng cao trên trường quốc tế?

Chính quyền các cấp phải chủ động, cầu thị, công khai và minh bạch trong tổ chức thực hiện. Cán bộ phải đủ tầm nhìn, bản lĩnh để đón nhận cái mới, gần dân để lắng nghe, chia sẻ, đồng hành.

Chúng ta cần hoàn thiện thể chế pháp lý đồng bộ, chuyển đổi số sâu rộng để vận hành bộ máy mới hiệu quả. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng số, hạ tầng giao thông cần đi trước một bước.

Và quan trọng là đào tạo đội ngũ cán bộ, có tư duy đổi mới, hành động quyết liệt, lấy lợi ích của nhân dân làm kim chỉ nam.

Xin cảm ơn ông!

"50 năm sau ngày non sông liền một dải, Việt Nam không chỉ khẳng định được vị thế trên trường quốc tế mà còn từng bước vững vàng đặt chân vào kỷ nguyên phát triển mới, một kỷ nguyên đòi hỏi thể chế hiện đại, bộ máy tinh gọn và con người đổi mới tư duy. Trong bối cảnh ấy, cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính, địa phương, chính là bước đi lịch sử, thể hiện tầm nhìn xa và bản lĩnh dám đổi mới của Đảng và Nhà nước ta”.

Ông Bùi Hoài Sơn