Đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán người ở Thanh Hóa: Triển khai đồng bộ các giải pháp

Admin

Để phòng chống tội phạm mua bán người có hiệu quả, ngành chức năng Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp, lồng ghép nhiều chương trình…

Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay

Theo số liệu của Bộ Công an, từ năm 2012 đến năm 2023 lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh khoảng 10.000 trường hợp, trong đó xác định gần 8.000 người là nạn nhân mua bán người. Đối tượng chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm khoảng 90%) và đa số thuộc các dân tộc ít người, tập trung ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Thượng tá Phạm Đức Thiêm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người được lực lượng công an trong tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra với nhiều phương thức thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi hơn. Tội phạm mua bán người không những gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các nạn nhân; xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm mà còn tác động xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự… Để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với hoạt động mua bán người thì công tác phòng ngừa, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, nhất các đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các đối tượng mua bán người là đặc biệt quan trọng.

Đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán người ở Thanh Hóa: Triển khai đồng bộ các giải pháp ảnh 1

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người

Liên quan đến công tác phòng chống tội phạm mua bán người, vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Thanh Hóa phối hợp Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình hỗ trợ sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người” năm 2024. Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay; đưa ra giải pháp hỗ trợ nạn nhân mua bán người; góp phần tiếp thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ, đặc biệt là nhóm yếu thế nói riêng có cơ hội hòa nhập tốt hơn... Một số cơ sở, doanh nghiệp, tổ hợp tác cũng chia sẻ mô hình hỗ trợ sinh kế đạt hiệu quả cao trong việc tạo việc làm, thu nhập cho người dân tại địa phương.

Hiện nay, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cũng đã hỗ trợ thành lập và duy trì 12 câu lạc bộ phụ nữ phòng, chống mua bán người tại các xã giáp biên; 2 nhóm phụ nữ di cư an toàn; 350 mô hình câu lạc bộ xây dựng gia đình “5 có, 3 sạch”... Qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

Lồng ghép chương trình, tiếp cận mô hình sinh kế tiêu biểu

Tại hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình hỗ trợ sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người, ban tổ chức đã giới thiệu nhiều mô hình sinh kế tiêu biểu của các hội viên, phụ nữ làm chủ, tham gia sản xuất như: Tổ hợp tác đan lát thôn Lau, xã Điền Thượng (Bá Thước); HTX dịch vụ nông nghiệp Hương Bài Như Xuân, thị trấn Yên Cát (Như Xuân); Công Ty CP Tập Đoàn Sống Hạnh Phúc, xã Cẩm Thạch (Cẩm Thủy); Hợp tác xã nông nghiệp Tây Đô, Xã Vĩnh Hùng, (Vĩnh Lộc); Hợp tác xã nông nghiệp Năm Tầng, phường Đông Sơn (Thị xã Bỉm Sơn)...

Đáng chú ý, hội thảo cũng giới thiệu các mô hình khởi sự kinh doanh của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản của tỉnh Thanh Hóa đến với người tiêu dùng. Việc hội thảo giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của hội viên sản xuất có hiệu quả, là cơ hội cho những người yếu thế, phụ nữ là nạn nhân mua bán người, trở về từ vùng di cư không an toàn, chị em mới bắt đầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh...

Đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán người ở Thanh Hóa: Triển khai đồng bộ các giải pháp ảnh 2

Nhiều mô hình sinh kế được giới thiệu

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo các địa phương lồng ghép công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác ở các địa phương như: chương trình giảm nghèo, chương trình phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; hỗ trợ, cung cấp kết nối các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em đối với trẻ em bị mua bán; tổ chức cung cấp thông tin, tư vấn cho người dân về di cư lao động hợp pháp, an toàn và hiệu quả; tập huấn cho cán bộ địa phương trong việc hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống lừa đảo việc làm trong nước và ngoài nước.

Thực tế, việc triển khai công tác phối hợp liên ngành được các sở, ngành và các địa phương triển khai hiệu quả. Vì vậy những trường hợp nạn nhân được giải cứu hay tự trở về đều được các cơ quan chức năng thông báo, trao đổi, từ đó có những hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bị mua bán.

Có thể nói, công tác phòng, chống mua bán người và công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ nạn nhân bị mua bán ở Thanh Hóa luôn được các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh quan tâm và triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan được tăng cường trong việc lồng ghép các chương trình an sinh xã hội – y tế - văn hóa - giáo dục đã giúp nạn nhân bị mua bán trở về được hỗ trợ kịp thời, hòa nhập tại cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Trong năm 2025, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Tổ chức các hoạt động tập huấn trang bị kiến thức và kỹ năng công tác cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên; kịp thời hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho nạn nhân. Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát nạn nhân bị mua bán trở về, lập hồ sơ đề nghị xác minh và hỗ trợ; tổ chức tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về theo đúng quy định của pháp luật, nhất là các chính sách, dịch vụ hỗ trợ ban đầu, tạo điều kiện để nạn nhân ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.