Tỷ giá USD trầm lắng, trong khi đó, vàng liên tục biến động (Ảnh minh họa ) |
Vàng liên tục biến động
Ngày 29/5, giá vàng thế giới ở mức 1.943 USD/ounce, giảm tới gần 100 USD/ounce chỉ trong 1 tháng. Sau khi vàng thế giới sát mốc 2.050 USD/ounce, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo vàng chốt lời. Điều này khiến giá vàng giảm tuần thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, trong nước, giá vàng miếng SJC quanh mức 66,3 - 67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng liên tiếp giảm, cùng với chênh lệch giá mua vào - bán ra duy trì gần 1 triệu đồng/lượng khiến nhà đầu tư lỗ nặng khi nắm giữ vàng. Khảo sát của Tiền Phong ở một số phố vàng tại Hà Nội như Trần Nhân Tông, Hà Trung, số lượng người mua vàng khá khiêm tốn.
Đánh giá về thị trường vàng, Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 5/2023, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/5, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.005,44 USD/ounce, tăng 0,06% so với tháng 4/2023. Đà tăng của vàng thế giới do lo ngại về những bất ổn của hệ thống tài chính và dấu hiệu suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, giá vàng thế giới tăng mạnh sau quyết định tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Sau đợt tăng lãi suất ngày 3/5, lãi suất cơ bản của Fed lên mức mức 5%-5,25%, cao nhất kể từ mùa hè năm 2007.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5/2023 tăng 1,02% so với tháng trước và tăng 3,97% so với tháng 12/2022. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023 tăng 0,62%.
Trước những biến động của thị trường vàng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo nhà đầu tư cần thận trọng vì chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao. Ngoài ra, vấn đề buôn lậu vàng cũng gây khó khăn, ảnh hưởng tới thị trường này.
Tỷ giá vẫn là ẩn số
Trái ngược với biến động của giá vàng, tỷ giá USD tương đối ổn định. Tổng cục Thống kê nhận định, USD tăng, giảm giá đan xen sau khi Fed tăng lãi suất và sự không chắc chắn về việc nâng giới hạn nợ của Mỹ để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ.
“Đến ngày 25/5, Chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 102,28 điểm, tăng 0,78% so với tháng trước. Trong nước, tỷ giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.640 VND/USD”, Tổng cục Thống kê nhận định.
Theo chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, một số tín hiệu trên thị trường quốc tế gần đây cho thấy tỷ giá giữa đồng USD và VND đang dần ổn định trở lại. Fed giảm tốc độ gia tăng lãi suất và lạm phát tại Mỹ có xu hướng giảm bền vững khiến cho đồng USD giảm giá mạnh trên cả thị trường trong nước và quốc tế.
Một trong những diễn biến lạ của tỷ giá USD trong nước khi tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước niêm yết cao hơn tỷ giá tại ngân hàng thương mại. Điều này cho thấy, thanh khoản USD tại ngân hàng thương mại khá dồi dào.
“Tỷ giá tại Việt Nam cũng ghi nhận sự sụt giảm kể từ tháng 12/2022 cho tới gần đây sau nhiều tháng tăng cao. Dù tỷ giá USD/VND đang trong xu hướng tăng, nhưng tỷ lệ mất giá của đồng VND so với đồng USD vẫn đang thấp trong xu hướng mất giá chung”, chuyên gia từ VEPR nhận định.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thị trường ngoại tệ hiện nay vẫn là “ẩn số”. Ông Hiếu dự báo, từ nay tới cuối năm, tỷ giá có thể tiếp tục tăng lên. Trong khi đó, Fed tăng lãi suất có thể khiến đồng Việt Nam mất giá. Trong khi đó, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều hàng hóa vì vậy sẽ chịu nhiều tác động.