Tăng gấp đôi mức định lượng tiền trong nhiều tội danh
![]() |
Ảnh minh hoạ. |
Với tội danh "Nhận hối lộ" - Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, theo quy định hiện hành, người có hành vi nhận hối lộ từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng (lần đầu) sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Còn tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất chỉ xử lý hình sự khi số tiền nhận hối lộ từ 5 triệu đồng trở lên.
Tương tự, với tội danh "Tham ô tài sản", dự thảo đề xuất xử lý hình sự khi tham ô từ 5 triệu đồng trở lên. Trong khi quy định hiện hành nêu, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Điều 174), luật hiện hành quy định hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Còn tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất nâng mức định lượng lên từ 5 triệu đến dưới 100 triệu đồng. Tại các khoản có khung hình phạt cao hơn, dự thảo cũng đề xuất nâng gấp đôi mức định lượng tiền.
Về tội "Đánh bạc" (Điều 321), luật hiện hành quy định người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Bộ Công an đề xuất nâng mức định lượng thành từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.
Ngoài ra, ở các khoản có khung hình phạt cao hơn, Bộ Công an cũng đề xuất nâng gấp đôi mức định lượng tiền tương ứng để bảo đảm sự cân đối trong toàn bộ hệ thống luật.
Phù hợp thực tiễn, tránh hình sự hóa không cần thiết
Trong tờ trình, Bộ Công an cho biết việc điều chỉnh này nhằm bảo đảm phù hợp với sự biến động của giá cả, trượt giá của đồng tiền sau gần một thập kỷ thi hành Bộ luật Hình sự 2015. Sự thay đổi trong điều kiện kinh tế - xã hội cũng khiến tính chất nguy hiểm của cùng một hành vi ở các thời điểm khác nhau không còn tương đương.
Trao đổi với PV, luật sư Bùi Phan Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) hoàn toàn ủng hộ đề xuất, cho rằng các mức định lượng cũ đã lỗi thời, nếu giữ nguyên sẽ dẫn đến quá nghiêm khắc, dễ hình sự hóa các hành vi có tính chất, hậu quả không quá nghiêm trọng.
Ông Phan Anh dẫn chứng, "Cùng là 2 triệu đồng, nhưng giá trị thực tế và tác động xã hội cách đây 10 năm khác xa so với hiện nay. Việc xử lý hình sự một hành vi như đánh bạc với số tiền nhỏ có thể không còn hợp lý".
Vẫn theo luật sư Phan Anh, đề xuất liên quan tội danh "Tham ô tài sản" và "Nhận hối lộ" sẽ không ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng. Bởi đề xuất này chỉ là điều chỉnh kỹ thuật lập pháp, đảm bảo sự công bằng và thống nhất trong hệ thống pháp luật hình sự, tránh phân biệt giữa các tội danh khi cùng sử dụng tiêu chí định lượng tiền làm căn cứ xử lý.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính nghiêm minh, ông đề xuất: "Cần triển khai các biện pháp phòng ngừa song song, như thanh tra, kiểm tra, xử lý kỷ luật nội bộ nghiêm minh. Với các vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn phải xử lý bằng biện pháp hành chính mạnh tay, như cảnh cáo, giáng chức, buộc thôi việc…"