Đến cuối năm 2024, tổng số dư các quỹ lũy kế đạt xấp xỉ 1,5 triệu tỷ đồng

Admin

TPO - Tiền lãi từ hoạt động đầu tư quỹ (trừ chi phí đầu tư tài chính) khoảng 146 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với giai đoạn 2019 - 2021. Đến cuối năm 2024, tổng số dư các quỹ lũy kế đạt xấp xỉ 1,5 triệu tỷ đồng.

Tổng số chi dự kiến 46.279 tỷ đồng

Chiều 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) giai đoạn 2025 – 2027.

Nêu tờ trình, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tổng số chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2025 - 2027 dự kiến là 46.279 tỷ đồng, tăng 9.358 tỷ đồng so với thực hiện giai đoạn 2022 - 2024.

Đến cuối năm 2024, tổng số dư các quỹ lũy kế đạt xấp xỉ 1,5 triệu tỷ đồng ảnh 1
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng.

Xuất phát từ nhu cầu trong giai đoạn 2025 - 2027, Chính phủ trình mức chi tổ chức và hoạt động BHXH, BHTN năm 2025 dự kiến tối đa 1,36%, năm 2026 tối đa 1,26%, năm 2027 tối đa 1,23% tính trên dự toán thu, chi.

Về mức chi tiền lương, ông Thắng cho hay, theo Nghị quyết số 09, tiền lương của biên chế và người lao động làm việc trong hệ thống BHXH bằng 1,8 lần mức lương cán bộ, công chức, viên chức đến khi cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Theo đó, BHXH Việt Nam thuộc đối tượng hưởng cơ chế lương đặc thù.

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiền lương đối với biên chế và người lao động làm việc trong hệ thống BHXH áp dụng bằng tiền lương công chức cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Liên quan đến việc thực hiện mức chi, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Văn hóa và Xã hội cho biết, tổng chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2022 - 2024 là 36.920 tỷ đồng, thấp hơn 2.342 tỷ đồng so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, giảm 1.661 tỷ đồng so với giai đoạn 2019 - 2021.

Tiền lãi từ hoạt động đầu tư quỹ (trừ chi phí đầu tư tài chính) khoảng 146 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với giai đoạn 2019 - 2021. Đến cuối năm 2024, tổng số dư các quỹ lũy kế đạt xấp xỉ 1,5 triệu tỷ đồng.

Đánh giá hiệu quả việc thực hiện cơ chế chi

Điểm đáng quan tâm, theo cơ quan thẩm tra, đến nay vẫn chưa ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng quỹ BHTN, chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng để xác định đầy đủ chi phí quản lý BHTN gắn với việc thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, tiền lãi từ hoạt động đầu tư quỹ tăng 4,9% so với giai đoạn 2019 - 2021, cần tiếp tục quan tâm, nâng cao hiệu quả, đồng thời bảo đảm an toàn của hoạt động đầu tư.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, cần chú trọng đánh giá hiệu quả việc thực hiện cơ chế chi cho tổ chức và hoạt động. Đồng thời, cần từng bước giảm chi qua bên thứ ba như các đại lý BHXH, bưu điện... nhằm tăng hiệu quả chi tiêu và giảm chi phí trung gian.

Bên cạnh đó, Luật BHXH năm 2024, Luật Việc làm 2025 đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHTN, góp phần làm gia tăng số người tham gia trong thời gian tới. Do đó, cần chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để đạt được mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị quy định rõ về mức tiền lương mà ngành BHXH được hưởng trong giai đoạn 2025 - 2027, bảo đảm phù hợp với đặc thù ngành, tương quan phù hợp với các cơ quan khác.

Cuối phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết và thông qua nghị quyết. Nghị quyết này có hiệu lực từ 1/7/2025 thay thế Nghị quyết số 09 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
Phó Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
Người lao động bị nợ BHXH, BHTN phải chật vật đi đòi. Ảnh: Dương Hưng
Đề xuất dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp trả nợ bảo hiểm xã hội
Quỹ bảo hiểm xã hội đang kết dư gần 1,2 triệu tỷ đồng
Quỹ bảo hiểm xã hội đang kết dư gần 1,2 triệu tỷ đồng