Đi lao động nước ngoài gửi kiều hối về nước 3,5 - 4 tỷ USD mỗi năm

Admin

Hiện có trên 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định, đem lại nguồn thu ngoại tệ khoảng 3,5 – 4 tỷ USD mỗi năm...

Một trong những kết quả nổi bật về giải quyết việc làm được đề cập trong báo cáo tổng kết của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội năm 2024.

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết trong năm 2024, Bộ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, trong đó tập trung vào các chương trình, đề án án về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường lao động trên toàn quốc, đặc biệt là tình hình thiếu hụt lao động tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn, như: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang…để kịp thời có phương án, giải pháp cung ứng lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Các giải pháp kết nối cung - cầu, nhất là kết nối thông tin về lao động - việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm được đẩy mạnh; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm. Hàng năm giải quyết việc làm cho 1,5-1,6 triệu người.

Các chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác được thực hiện hiệu quả. Các hoạt động quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư và cơ sở dữ liệu khác và Đề án 06 được tăng cường. Tính đến tháng 12/2024, đã có hơn 39,5 triệu dữ liệu về người lao động được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế của đất nước.

Bên cạnh đó, công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tăng cường và quản lý chặt chẽ hơn.

Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi nhanh chóng, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng dần về số lượng và nâng cao về chất lượng, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

Hiện nay, có trên 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 – 4 tỷ USD/năm.

Bên cạnh đó, một số địa phương đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho người lao động hoàn thành hợp đồng về nước hòa nhập vào thị trường lao động trong nước; tăng cường công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Ước cả năm 2024, đưa khoảng 150.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 120% kế hoạch.

Diễn đàn lao động Việt Nam - Hàn Quốc đã được tổ chức trong năm 2024. Ảnh: MOLISA. Diễn đàn lao động Việt Nam - Hàn Quốc đã được tổ chức trong năm 2024. Ảnh: MOLISA.

Ước thực hiện năm 2024, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước đạt 28,1%. 

VẪN CÓ SỰ THIẾU HỤT LAO ĐỘNG

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, thị trường lao động phục hồi nhanh và có bước phát triển, tuy nhiên, có sự thiếu hụt lao động nhẹ tại các địa bàn trọng yếu, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.

Qua khảo sát nhanh của Bộ, thì có xảy ra hiện tượng thiếu hụt lao động nhưng không nghiêm trọng. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp lớn có thêm các đơn hàng phục vụ cho các ngày lễ cuối năm, trong khi doanh nghiệp không có phương án chuẩn bị sẵn nguồn lao động.

Số lao động mà doanh nghiệp thiếu chủ yếu là lao động phổ thông, trong các ngành dệt may, lắp ráp điện tử.

Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn.

Cùng với đó, chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Đến nay có khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên (cả nước chỉ có 28,1% người lao động đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ).

Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ trong năm 2025 của ngành đặt ra là tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, trọng tâm là bảo đảm việc làm bền vững và sinh kế. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm.

Đồng thời, kết nối và điều tiết hiệu quả cung - cầu lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ.

Đặc biệt, thực hiện các giải pháp chính thức hóa việc làm phi chính thức, chuyển dịch nhanh lao động có việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức; chú trọng hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên.

Nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp.

Giải pháp nữa là ổn định, duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.

Ngoài ra, công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng sẽ được tăng cường, đảm bảo hài hoà việc cung ứng lao động chất lượng cao nước ngoài vào làm việc; hỗ trợ và thúc đẩy chất lượng lao động trong nước.