Ngày 27/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có một số nội dung giao Chính phủ quy định và quy định chi tiết.
Vì vậy, Bộ Y tế đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, dự kiến sẽ thay thế cho Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định số 02/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025 của Chính phủ.
NÂNG MỨC HỖ TRỢ ĐÓNG
Về mức đóng bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết do hiện nay Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn đang kết dư, do đó mức đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng tiếp tục được quy định bằng 4,5% mức tiền lương tháng, tiền lương làm căn cứu đóng bảo hiểm xã hội, tiền lương hưu, mức lương cơ sở như quy định của Nghị định số 146.
Về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách Nhà nước, hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng nạn nhân mua, bán người. Thời gian hỗ trợ là 1 năm kể từ khi họ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.
Các đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã được xác định không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Chính phủ, giữ nguyên như quy định hiện hành của Nghị định số 75.
Quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng: Nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật; người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; người được tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú theo quy định của Luật Di sản văn hóa tối thiểu bằng 50% mức đóng.
Bên cạnh đó, đối với đối tượng học sinh, sinh viên, chính sách hiện hành đang quy định ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, và không được linh hoạt tham gia theo hình thức hộ gia đình để được giảm trừ mức đóng, khi gia đình có nhiều thành viên cùng tham gia bảo hiểm y tế. Thực tế, rất nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân đã đề xuất tăng tỷ lệ hỗ trợ đóng cho nhóm đối tượng này.
Vì vậy, tại dự thảo Nghị định, Bộ Y tế cũng đề xuất quy định nâng mức hỗ trợ tối thiểu từ 30% lên 50% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng học sinh phổ thông từ lớp 1 tới lớp 12.
Bộ cũng đề nghị tiếp tục quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ khả năng ngân sách địa phương, và các nguồn hợp pháp khác, xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu quy định.
TIẾP TỤC TĂNG ĐỘ BAO PHỦ BẢO HIỂM Y TẾ
Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đánh giá, việc mở rộng thêm một số nhóm đối tượng được bao phủ bảo hiểm y tế, về lâu dài sẽ góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng nguồn nhân lực có thể là đối tượng người lao động sau này cho doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, các chính sách cũng có tác động tích cực đến năng suất, hiệu quả hoạt động, doanh thu của doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế do tăng lượng người được bao phủ bảo hiểm y tế, sẽ dẫn tới tăng việc sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
Đối với Quỹ Bảo hiểm y tế, việc quy định bổ sung thêm các nhóm đối tượng mới giúp duy trì và tăng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, từ đó tăng nguồn thu cho Quỹ, tăng nguồn kinh phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với người dân, việc bao phủ thêm một số nhóm đối tượng sẽ giúp bảo đảm cơ chế tài chính, tăng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho các đối tượng này. Người tham gia bảo hiểm y tế có lợi khi được bảo đảm về tài chính và được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả trong trường hợp ốm đau, bệnh tật.
Bộ Y tế cho biết các chính sách trên hướng đến bảo đảm an sinh xã hội, duy trì và từng bước tăng mức bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, góp phần đạt được mục tiêu trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2030.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Luật sửa đổi, với nhiều thay đổi về chính sách có lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế, tháo gỡ các tồn tại thực tiễn trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, và thanh toán chi phí khám chữa bệnh.