Đại tá TS Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. |
Ngày 25/10, Bộ Công an phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo "Chiến lược Dữ liệu Quốc gia - Góp ý dự thảo
Toàn cảnh Hội thảo.
Theo đại tá Vũ Văn Tấn, trong 2,5 năm qua, Đề án 06 đã mang lại những điều cơ bản nhất tạo lập nhóm dữ liệu, trong đó, khẳng định 5 nhóm vấn đề.
Thứ nhất là dịch vụ công thiết yếu (nền tảng cơ bản để vừa tạo lập dữ liệu vừa mang lại giá trị cho người dân); thứ hai là phục vụ cho việc phát triển kinh tế; thứ ba là tạo lập công dân số trong quá trình chuyển đổi số; thứ tư là tạo lập được bộ dữ liệu dùng chung cho tất cả các đơn vị liên quan khai thác; thứ năm là Đề án 06 cần làm rõ mang lại giá trị tham mưu hoạch định những chính sách cho cho ngành, địa phương và Chính phủ.
"Trong quá trình triển khai Đề án 06, đã xác định một số "điểm nghẽn" về pháp lý, dữ liệu nghiệp vụ, hạ tầng, bảo mật và nguồn lực. Và khi đã nhận diện được 5 "điểm nghẽn" này thì phải giải quyết thì mới thành công trong Đề án 06 cũng như trong chuyển đổi số..." - đại tá Tấn chia sẻ.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết thêm, chúng ta đang có khái niệm dữ liệu số hóa xong mới đưa vào sử dụng, nhưng từ kinh nghiệm, bài học của dữ liệu dân cư thì thấy được rằng dữ liệu khi được số hóa thì phải dùng ngay thì mới "sống". Bên cạnh đó, cần xác định dữ liệu nào là dữ liệu gốc, dữ liệu nào là cốt lõi thì khi tạo lập sẽ là nền tảng cho dữ liệu khác và trước bối cảnh đó cần có Luật dữ liệu để có tính pháp lý.
Dự thảo Luật Dữ liệu gồm 7 chương, 67 điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu…
"Trong cuộc chơi về dữ liệu thì việc đồng bộ, kết nối, khai thác để đảm bảo an ninh, an toàn cũng cần có giải pháp. Chúng ta nói đến dữ liệu, nói nhiều đến AI và tất cả chúng ta đều hiểu điều này và nhận diện ra được ứng dụng AI vào dữ liệu. Nhưng thực sự dữ liệu chưa trưởng thành thì làm sao mà nói AI được..." - đại tá Vũ Văn Tấn nói.
Trung tướng PGS.TS Phan Xuân Tuy - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân. |
Quyết tâm thực hiện thành công chiến lược quốc gia về dữ liệu
Phát biểu đề dẫn, Trung tướng PGS. TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND cho biết, tại Hội thảo đưa ra bàn luận 3 nhóm vấn đề. Thứ nhất là xây dựng phát triển chiến lược dữ liệu quốc gia; thứ hai là đóng góp cho việc hoàn thiện dự thảo Luật dữ liệu trình Quốc hội thông qua; thứ ba là tiếp tục kéo dài quá trình đối thoại vòng tròn chính sách chiến lược dữ liệu, đưa chính sách, đưa thể chế vào đời sống xã hội hiệu quả.
"Đây là 3 nội dung quan trọng gắn bó với nhau không chỉ nhằm góp ý đối với dự thảo Luật dữ liệu mà Quốc hội đang xem xét thông qua mà hơn cả là vấn đề chiến lược quốc gia, chiến lược phát triển, chiến lược truyền thông tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn đó là thể chế... Với tinh thần đó, vấn đề truyền thông chính sách, tham góp xây dựng hoàn thiện thể chế trở thành một nội dung đặc biệt quan trọng và từ đó quyết tâm hình thành và thực hiện thành công chiến lược quốc gia về dữ liệu " - Trung tướng Phan Xuân Tuy nhấn mạnh.
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ về kinh nghiệm mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai. Theo ông Dũng, dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước hiện nay giống như một trung tâm dữ liệu thu nhỏ. Điều đó thể hiện ở việc mỗi người có thể gửi tiết kiệm ở chi nhánh ngân hàng ở Hà Giang hay hải đảo nhưng vẫn có thể rút tiền ở Hà Nội... "Nhờ dữ liệu khách hàng có thể gửi tiết kiệm ở một nơi nhưng rút ở nhiều nơi và cũng có thể biết ai đang có bao nhiêu thẻ tín dụng, ai đang có nợ xấu tại ngân hàng" - ông Dũng cho biết.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh về cách thức chia sẻ dữ liệu, bởi khi có dữ liệu thì chia sẻ thế nào là điều vô cùng quan trọng. "Nói thì dễ nhưng làm thì không dễ. Bản thân ngân hàng nếu có dữ liệu gửi không kịp thời thì sẽ xảy ra việc khách hàng gửi sổ tiết kiệm ở nơi này nhưng người nhận ở nơi khác không rút được vì số dư chưa đồng bộ về hoặc rút tiết kiệm rồi nhưng chưa phản ánh lên thì có thể rút được hai lần. Đây là những câu chuyện rất quan trọng về dữ liệu" - ông Dũng lấy ví dụ.
Còn bà Lê Nguyễn Thiên Nga, nghiên cứu trưởng, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách có chia sẻ về chính sách dữ liệu Việt Nam, điểm nghẽn chuyển đổi số quốc gia và giải pháp phát triển thị trường dữ liệu & Marketing dữ liệu Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Theo bà Nga, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển hạ tầng dữ liệu đến năm 2030, 100% các trung tâm dữ liệu được bảo đảm kết nối thành công, tạo thành một mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước. Chiến lược dữ liệu Quốc gia còn được kỳ vọng góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao...
Tại Hội thảo nhận được nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu, chuyên gia nhằm làm rõ bối cảnh và các nguồn lực, động lực nhằm phát triển chiến lược dữ liệu quốc gia, cũng như cách thức nhằm khơi thông, giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mới cho chiến lược dữ liệu phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược dữ liệu quốc gia.
Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 với tầm nhìn mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn.
Chiến lược dữ liệu quốc gia còn được kỳ vọng góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.