Gần 50.000 người đến viếng Giáo hoàng Francis trong một ngày

Admin

Tính đến 8h30 sáng 24-4 (giờ địa phương), khoảng 48.600 người đã đến viếng Giáo hoàng Francis tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter.

Giáo hoàng Francis - Ảnh 1.

Các nữ tu, linh mục và các tín hữu Công giáo đọc kinh cầu nguyện bên cạnh linh cữu Giáo hoàng Francis tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter - Ảnh: REUTERS

Theo lịch được ấn định trước đó, Vương cung Thánh đường Thánh Peter sẽ tạm dừng cho công chúng vào viếng linh cữu của Giáo hoàng Francis và đóng cửa lúc 0h mỗi ngày.

Tuy nhiên do các tu sĩ, tín hữu Công giáo và người dân xếp hàng đợi vào viếng Giáo hoàng vẫn còn quá dài, nên Vương cung Thánh đường buộc phải mở cửa đến tận 5h30 sáng 24-4.

Dòng người đến viếng Giáo hoàng Francis trong Vương cung Thánh đường Thánh Peter vào sáng 24-4 - Ảnh: AFP

Gần 50.000 người đến viếng Giáo hoàng Francis trong một ngày - Ảnh 3.

Không nằm trên chiếc bệ cao gọi là Catafalque như các Giáo hoàng tiền nhiệm, Giáo hoàng Francis muốn được gần gũi với các giáo dân đến giờ phút cuối cùng - Ảnh: AFP

Giáo hoàng Francis - Ảnh 4.

Một nữ tu ngồi nghỉ chân đợi các nữ tu khác xếp hàng vào viếng Giáo hoàng Francis sáng sớm 24-4 - Ảnh: REUTERS

Giáo hoàng Francis - Ảnh 5.

Hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đổ về Vương cung Thánh đường Thánh Peter để bày tỏ lòng thành kính với Giáo hoàng Francis - Ảnh: REUTERS

Giáo hoàng Francis - Ảnh 6.

Người dân chờ đợi vào viếng Giáo hoàng Francis dưới trời mưa sáng 24-4 - Ảnh: REUTERS

Giáo hoàng Francis - Ảnh 7.

Các tu sĩ, tín hữu Công giáo và cả người dân ngoại đạo xếp hàng đợi vào viếng Giáo hoàng Francis từ tối 23 đến sáng 24-4 - Ảnh: REUTERS

Gần 50.000 người đến viếng Giáo hoàng Francis trong một ngày - Ảnh 8.

Gần 50.000 người đã đến Vatican để viếng Giáo hoàng Francis chỉ trong chưa đầy một ngày, kể từ khi linh cữu của Ngài được quàn tại Vương cung Thánh đường Thánh Peter - Ảnh: AFP

Tối 25-4, Hồng y Nhiếp chính Kevin Farrell sẽ chủ trì nghi thức niêm phong quan tài của Giáo hoàng Francis.

Theo quy định truyền thống của Vatican, trước khi niêm phong quan tài, vị hồng y chủ trì sẽ phủ một tấm lụa trắng lên mặt Giáo hoàng và dâng lên lời cầu nguyện cuối cùng. Sau đó, quan tài sẽ được đóng kín bằng đinh và đặt vào bên trong huyệt mộ đã được chuẩn bị sẵn.

Thánh lễ an táng Giáo hoàng Francis sẽ diễn ra lúc 10h (theo giờ Rome) ngày 26-4, và linh cữu của Ngài sẽ được di quan đến Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả.

Hơn 170 đoàn đại biểu gồm các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ các nước dự kiến có mặt tại Quảng trường Thánh Peter để dự Thánh lễ an táng của Giáo hoàng. Người dân trên toàn thế giới có thể theo dõi Thánh lễ an táng qua truyền hình.

Tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, huyệt mộ của Giáo hoàng Francis dự kiến được đặt gần bàn thờ Đức Mẹ Salus Populi Romani với một bia đá đơn giản khắc tên, ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm Ngài qua đời cùng triều đại Giáo hoàng của Ngài bằng tiếng Latin.

Bên cạnh đó, mộ của Giáo hoàng Francis cũng không có các tượng đài hay các bức phù điêu cầu kỳ như một số cựu Giáo hoàng thời Phục Hưng.

Theo di nguyện của Giáo hoàng Francis, Ngài muốn được an nghỉ và chờ ngày Phục sinh trong Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, khác với nhiều Giáo hoàng tiền nhiệm được an táng tại hầm mộ bên dưới Vương cung Thánh đường Thánh Peter.

Trong bức di chúc, Ngài cũng chỉ rõ vị trí phần mộ của mình sẽ được đặt tại gian bên hông của Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, kèm theo một sơ đồ minh họa vị trí phần mộ.

Từ ngày 26-4 đến 4-5, Giáo hội Công giáo bắt đầu bước vào giai đoạn Novendiales, tức chín ngày để tang Giáo hoàng Francis.

Gần 50.000 người đã đến viếng Giáo hoàng Francis - Ảnh 9.Lời nói cuối cùng của Giáo hoàng Francis trước khi qua đời

Tòa thánh Vatican vừa tiết lộ những giờ cuối cùng của Giáo hoàng Francis trước khi Ngài qua đời và một trong những câu nói cuối cùng của Ngài là lời cảm ơn khi được quay trở lại quảng trường Thánh Peter.