Hà Nội: Triển khai thành công 18 mô hình khuyến nông hiệu quả

Admin

Năm 2024, ngành Nông nghiệp Hà Nội triển khai nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả, nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập cho người nông dân.

Hà Nội: Triển khai thành công 18 mô hình khuyến nông hiệu quả ảnh 1

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ mô hình nuôi dê lấy sữa và thịt, quy mô 220 con, thực hiện tại 4 điểm trên địa bàn huyện Thạch Thất và huyện Sóc Sơn.

Trong năm 2024, ngành Nông nghiệp Hà Nội triển khai nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả, nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, các mô hình này không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật, mà còn giúp nông dân sản xuất theo hình thức liên kết, mở rộng quy mô vùng nguyên liệu.

Tại huyện Chương Mỹ, mỗi năm Trạm Khuyến nông huyện thực hiện khoảng 3 - 4 mô hình khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản. Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Hùng cho biết, huyện có mô hình trồng bưởi Diễn, quy mô gần 5ha tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thượng Vực (huyện Chương Mỹ).

“Trồng bưởi theo hướng VietGAP giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện quy trình sản xuất, tạo thói quen ghi chép nhật ký để có biện pháp chăm sóc cây trồng phù hợp”, ông Hùng cho hay.

Tương tự, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ mô hình nuôi dê lấy sữa và thịt, quy mô 220 con, thực hiện tại 4 điểm trên địa bàn huyện Thạch Thất và huyện Sóc Sơn.

Nhờ áp dụng mô hình mới này với sự đồng hành của cán bộ khuyến nông địa phương, gia đình ông Trần Văn, một trong những hộ nuôi dê theo mô hình khuyến nông tại xã Hạ Bằng (huyện Thạch Thất) đã được trang bị đầy đủ kỹ thuật, con giống, mô hình nuôi dê lấy sữa và thịt. Với nền tảng vững chắc đó, mô hình chăn nuôi của gia đình càng ngày càng phát huy hiệu quả, đàn dê khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt, cho giá trị kinh tế cao.

Tăng cường chuyển giao tiến bộ mới vào sản xuất

Theo Trung tâm Khuyến nông (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), trong 9 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã xây dựng và triển khai thành công 18 mô hình khuyến nông, trong đó có 10 mô hình về trồng trọt, 4 mô hình chăn nuôi và 4 mô hình thủy sản. Các mô hình khuyến nông tập trung vào việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Trong 18 mô hình trên, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo VietGAP đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho ngành nông. Để phát triển mô hình trên, ngành Nông nghiệp Thủ đô xây dựng nhiều vùng trồng lúa tập trung, quy mô lớn.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn hướng đến những mô hình trồng trọt chất lượng cao nhằm bảo tồn giống quý. Đầu năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp với UBND quận Tây Hồ cùng Viện nghiên cứu rau quả Trung ương thực hiện thực hiện dự án "Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ - Hà Nội". Với dự án này, hàng nghìn mầm sen Bách Diệp đã được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ gieo trồng, đem lại những hồ sen tỏa sắc, góp phần vào công cuộc phát triển sản phẩm OCOP trà sen Quảng An vốn đang đứng trước nhiều thách thức.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với các địa phương chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế từ 10% đến 20% so với ngoài mô hình. Khi kết thúc, trung tâm tổ chức nghiệm thu, đánh giá kết quả để rút kinh nghiệm và mô hình nào hiệu quả sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.

Việc hỗ trợ các mô hình khuyến nông đã đưa các tiến bộ khoa học, công nghệ đến gần với nông dân đã giúp các nông hộ thay đổi phương thức sản xuất, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra nông sản an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng thực tế, việc triển khai các mô hình khuyến nông gặp không ít khó khăn do ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của nông dân còn hạn chế, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ. Các vấn đề về trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ chuyên môn còn nhiều hạn chế, việc tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới chưa đầy đủ, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo; đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh, không ổn định… là những nội dung cần tháo gỡ để phát triển các mô hình khuyến nông trong tương lai.