Hành trình kì diệu của người mẹ mang bệnh hiểm, đón con giữa 'bão giông'

Admin

TPO - Rạng sáng 8/7, ê-kíp 11 y bác sĩ của Bệnh viện Phụ Sản Trung ương gồm chuyên ngành phẫu thuật sản, gây mê hồi sức, sơ sinh… mang theo đầy đủ thiết bị mổ, thuốc men, máy móc hồi sức sơ sinh và lồng ấp, nhanh chóng có mặt tại Bệnh viện Phổi Trung ương…

Ca mổ cấp cứu đặc biệt đã diễn ra thành công nhờ sự phối hợp “thần tốc” và nhịp nhàng giữa hai bệnh viện tuyến cuối.

Nhân vật chính của cuộc vượt cạn đầy cam go ấy là chị L.T.H (30 tuổi), sản phụ mang thai con đầu lòng 35 tuần, đang trong quá trình điều trị lao phổi kháng thuốc nặng, một dạng lao nguy hiểm, có tổn thương nghiêm trọng ở cả hai phổi, đặc biệt phổi trái gần như mất chức năng.

Khi mỗi giây đều là sinh mạng

Chị H. có tiền sử lao phổi điều trị cách đây 3 năm. Gần đây, bệnh tái phát với mức độ nghiêm trọng, kèm theo kết quả kháng rifampicin – loại thuốc chủ lực trong điều trị lao. Tình trạng hô hấp của chị liên tục xấu đi khi thai càng lớn, gây chèn ép lên lồng ngực, đẩy nguy cơ suy hô hấp lên mức báo động.

Trước diễn tiến nguy hiểm, ngày 7/7, Bệnh viện Phổi Trung ương lập tức gửi đề nghị hỗ trợ khẩn cấp đến Bệnh viện Phụ Sản Trung ương. Sau hội chẩn liên viện, các chuyên gia xác định: không thể chờ thai đủ tháng. Việc mổ lấy thai cần được tiến hành ngay tại Bệnh viện Phổi Trung ương, nơi bệnh nhân đang được điều trị lao tích cực và đảm bảo điều kiện hồi sức hô hấp tối ưu nhất cho sản phụ.

Hành trình kì diệu của người mẹ mang bệnh hiểm, đón con giữa 'bão giông' ảnh 1

Các bác sĩ thực hiện ca mổ lấy thai nhi.

Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, kíp gây mê hồi sức của Bệnh viện đã chuẩn bị kĩ lưỡng để đảm bảo sản phụ có thể chịu đựng cuộc phẫu thuật trong điều kiện suy hô hấp nặng. Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa hai bệnh viện, một bên chuyên sâu về sản - nhi, một bên chuyên ngành hô hấp đã tạo nên “mặt trận cấp cứu” chuyên môn vững vàng cho cả mẹ và con. Sau hơn 30 phút phẫu thuật căng thẳng, một bé trai nặng 2,2kg cất tiếng khóc đầu đời, hồng hào và khỏe mạnh. Các bác sĩ sơ sinh lập tức hồi sức, hỗ trợ thở, giữ ấm bằng lồng ấp di động.

Trước khi bé được chuyển về Trung tâm Sơ sinh (Bệnh viện Phụ Sản Trung ương) để chăm sóc chuyên sâu, em bé đã kịp được áp lên ngực mẹ trong khoảnh khắc thiêng liêng đầu tiên, ánh mắt đầu đời của con gặp người mẹ kiên cường đã giữ con trọn vẹn suốt hành trình thai nghén đầy gian nan.

Chia sẻ sau ca mổ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng khoa Sản Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương cho biết: “Lao kháng thuốc ở sản phụ là bài toán y học cực kì phức tạp. Vừa phải điều trị bệnh, vừa đảm bảo an toàn cho thai nhi trong khi chức năng hô hấp của mẹ suy giảm. Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa hai đơn vị mới giúp chúng tôi đảm bảo được sự sống cho cả mẹ và con”.

Hành trình kì diệu của người mẹ mang bệnh hiểm, đón con giữa 'bão giông' ảnh 2

Em bé chào đời mạnh khỏe sau những nỗ lực cấp cứu của bác sĩ 2 bệnh viện tuyến đầu.

Về phía Bệnh viện Phổi Trung ương, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Viết Nghĩa, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức nhấn mạnh: “Việc thực hiện ca mổ ngay tại bệnh viện điều trị lao giúp hạn chế tối đa việc di chuyển, tránh nguy cơ mất ổn định hô hấp. Chúng tôi đã lên các kịch bản chi tiết cho mọi tình huống khẩn cấp. Nhờ sự phối hợp chuyên nghiệp của đồng nghiệp bên sản khoa, ca mổ đã diễn ra an toàn”.

Một mô hình liên viện - cứu người không biên giới

Đây không phải lần đầu tiên Bệnh viện Phụ Sản Trung ương cử ê-kíp mổ cấp cứu ngoại viện tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Trong những năm qua, gần 10 trường hợp tương tự đã được can thiệp kịp thời theo mô hình phối hợp chuyên môn liên viện, một giải pháp nhân văn và hiệu quả trong các tình huống y tế phức tạp, không thể “chờ đến khi chuyển viện”.

Dẫn đầu ê-kíp sang phối hợp lần này, bác sĩ Nguyễn Duy Hưng chia sẻ: “Sản phụ vừa điều trị lao kháng thuốc vừa mang thai là bài toán rất khó, bởi vừa phải đảm bảo tính mạng cho mẹ, vừa phải bảo vệ thai nhi. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp bên Bệnh viện Phổi Trung ương ca phẫu thuật được thực hiện thành công, là thành quả đầy gian nan và nỗ lực liên viện”.

Hành trình kì diệu của người mẹ mang bệnh hiểm, đón con giữa 'bão giông' ảnh 3

Xúc động giây phút hai mẹ con gặp nhau sau cuộc chiến sinh tử.

Trong quá trình phối hợp liên viện lần này, bác sĩ Nguyễn Viết Nghĩa nhìn nhận: “Ca mổ được thực hiện ngay tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Do sản phụ mang thai non tháng, thêm tình trạng suy hô hấp nên chúng tôi phải lên phương án gây mê, hồi sức cực kì cẩn trọng, đồng thời chuẩn bị mọi tình huống khẩn cấp. Sự phối hợp ăn ý và chuyên nghiệp giữa hai ekip là chìa khóa của thành công”.

Sự sống đôi khi được quyết định chỉ trong tích tắc. Nhưng chính sự quyết đoán, phối hợp nhanh chóng và tận tâm giữa các y bác sĩ mới là điều tạo nên phép màu: đưa một em bé an toàn đến với thế giới giữa bối cảnh người mẹ phải chiến đấu từng ngày với căn bệnh nguy hiểm nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm. Một khoảnh khắc ngắn ngủi áp da đầu đời, một cuộc vượt cạn thở bằng niềm tin, một hành trình song hành giữa hai tuyến đầu. Trong thế giới của y học, những ca mổ như vậy không chỉ là chuyên môn mà còn là tình người.

Nhiều bệnh nhân mắc sởi nhập viện: Người lớn khỏe mạnh vẫn nguy kịch vì biến chứng
Nhiều bệnh nhân mắc sởi nhập viện: Người lớn khỏe mạnh vẫn nguy kịch vì biến chứng
Từ 1/10, bệnh viện bắt buộc kê đơn thuốc điện tử: Không còn đất cho lạm dụng và kê sai
Từ 1/10, bệnh viện bắt buộc kê đơn thuốc điện tử: Không còn đất cho lạm dụng và kê sai
TS Nguyễn Quang Bảy khám cho bệnh nhân
Kê đơn thuốc 90 ngày: Người bệnh mạn tính thở phào