![]() |
Ông Nguyễn Văn Học cho biết: Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, tại tiểu mục 2.3 mục 2 chương III nghị quyết có ghi rõ: Tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính dân sự, giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm. Sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để đảm bảo nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự kinh tế…
Để những quan điểm về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, không hình sự hóa các quan hệ hành chính, kinh tế dân sự và ưu tiên xử lý các sai phạm trong lĩnh vực kinh tế bằng biện pháp kinh tế, dân sự như trong Nghị quyết 68 chúng ta phải luật hóa tức là phải sửa luật nhằm phù hợp với những chủ trương đúng đắn nêu trên và khi đó mới thực sự không hình sự hóa các quan hệ dân sự . Tuy nhiên hiện nay Quốc hội đang xem xét cho ý kiến và thông qua bộ luật hình sự sửa đổi nhưng chưa đề cập đến nội dung này.
Từ thực tế nêu trên chúng tôi mong muốn lần này BLHS cần sửa hai điều , cụ thể :1/ Điều 8. Khái niệm tội phạm: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.
Cần thêm một khoản trong điều 8 này, cụ thể : 3. Những hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế tuy đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng người thực hiện hành vi đã tự nguyện khắc phục toàn bộ thiệt hại thì không coi là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác .
2/ Sửa điều 29 :Điều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Điều này cần thêm : d/ khi điều tra truy tố hoặc xét xử các tội phạm thuộc lĩnh vực kinh tế được quy định tại khoản 1 các điều từ 200 đến 234 BLHS mà người thực hiện hành vi đã khắc phục xong toàn bộ hậu quả, thiệt hại
3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự...
Chỉ khi nào luật hình sự được sửa đổi theo đề xuất trên thì khi đó việc không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế mới chấm dứt và khi đó Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị mới thực sự đi vào cuộc sống.