Bắt đầu từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, khối SME phải liên tục đối mặt với những cơn sóng lớn liên miên. Đại dịch Covid-19 vừa lắng xuống thì tình trạng lạm phát diễn ra trên diện rộng, sức mua của người tiêu dùng giảm sút mạnh, sau đó là những biến động liên quan đến xung đột địa chính trị dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp SME là đối tượng dễ chịu tác động nhất nên rất nhiều doanh nghiệp đã mất sức đề kháng, không thể trụ vững.
Hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vay vốn, nhưng tổng kết các gói vay không đạt hiệu quả. Do không có nguồn vốn ổn định nên doanh nghiệp SME rất khó để nâng cấp công nghệ, số hóa quy trình sản xuất và từ đó gia tăng lợi nhuận, bắt kịp xu hướng phát triển. Để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ thì việc thiết kế các chính sách phải ngắn gọn, trực diện và hiệu quả...
Theo các chuyên gia, có hai vấn đề lớn được đặt ra để giúp khối SME trụ vững, phát triển mạnh trong kỷ nguyên mới của Việt Nam, đó là nguồn vốn và mở rộng thị trường, vươn ra những thị trường rộng lớn hơn trên thế giới.
Tại chuỗi hội thảo “Phát huy vai trò các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập kinh tế quốc tế” diễn ra cuối tháng 12/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội do Bộ Ngoại giao và a / b phối hợp tổ chức, bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng với sự lớn mạnh ngày càng gia tăng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có vai trò rất quan trọng, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Tôi thay mặt các đại sứ, tổng lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài cũng như 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, sát cánh cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam để cùng thúc đẩy sự phát triển của từng doanh nghiệp, từ đó đóng góp cho sự phát triển của đất nước, thực hiện mục tiêu khát vọng phát triển đất nước”, bà Hằng khẳng định.
Theo TS.Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), các doanh nghiệp SME Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều hạn chế trong tiến trình hội nhập và nâng cao năng lực quốc tế của mình, như: nguồn lực tài chính còn hạn chế; thiếu kỹ năng quản lý và kinh nghiệm quốc tế; chậm đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất; khó khăn trong việc tiếp cận thông tin thị trường và giấy phép quốc tế; thiếu đội ngũ pháp chế chuyên nghiệp; hạn chế trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; quy trình xuất nhập khẩu còn phức tạp; gặp rào cản từ các biện pháp phi thuế quan; thiếu sự kết nối và hỗ trợ từ cơ quan chức năng và rủi ro từ biến động kinh tế toàn cầu...
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cũng chia sẻ góc nhìn tương đồng khi chỉ ra những thách thức mà các doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ và vừa Việt Nam đang phải đối mặt.
NHẬN DIỆN KHÓ KHĂN
Theo ông Long, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm vững các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, cũng như thiếu hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán và văn hóa tiêu dùng tại các thị trường quốc tế. Chính những hạn chế này khiến doanh nghiệp dễ gặp rủi ro trong quá trình xâm nhập và mở rộng thị trường nước ngoài.
Để ngành du lịch Việt Nam tiếp tục thu hút du khách quốc tế nhiều hơn nữa, các doanh nghiệp du lịch rất cần tiếp cận thông tin từ các thị trường, thông tin đối tác. Do đó, cần có đầu mối của các cơ quan đại diện, để doanh nghiệp có thông tin và kết nối ngay được. Đồng thời kết hợp, phối hợp tăng cường tổ chức các hội thảo chuyên đề thường xuyên tại thị trường nước ngoài để giúp doanh nghiệp kết nối đối tác hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu chính sách để mở rộng miễn thị thực cho nhiều thị trường khách du lịch. Các cơ quan thương vụ cần nghiên cứu tổ chức các farmtrip để tìm hiểu du lịch Việt Nam.
“Các doanh nghiệp nhỏ hầu như không có đủ nguồn lực để nghiên cứu và khai thác thị trường như các doanh nghiệp lớn. Chính vì vậy, họ dễ rơi vào tình trạng không nắm bắt và hiểu rõ thị trường, từ đó phát sinh nhiều rủi ro trong hoạt động xuất khẩu”, ông Long chia sẻ.
Không những thế, khả năng kết nối với khách hàng quốc tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất hạn chế. Một ví dụ điển hình là ngành chè Việt Nam. Hiện nay, xuất khẩu chè sang thị trường Pakistan đang tăng trưởng mạnh mẽ, với sản lượng đạt 40.000-50.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp chè Việt Nam vẫn chủ yếu giao dịch thông qua thương lái trung gian thay vì trực tiếp kết nối và làm việc với các nhà nhập khẩu chè tại Pakistan.
“Việc trực tiếp tiếp cận và đàm phán với các đối tác nhập khẩu chè của Pakistan là điều vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ. Họ không có đủ nguồn lực và mối quan hệ để xây dựng kênh kết nối trực tiếp với khách hàng quốc tế”, ông Long dẫn chứng.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, cho biết với ngành hồ tiêu thì số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ tuyệt đối 100%. Năm 2024 xuất khẩu hồ tiêu đạt con số kỷ lục trên 1 tỷ USD. Mặc dù đạt được thành quả ấn tượng, nhưng theo bà Liên, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung và doanh nghiệp ngành hồ tiêu nói riêng vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn, từ vốn, công nghệ đến chất lượng nguồn nhân lực khi muốn vươn ra quốc tế.
“Chúng tôi gặp khó khăn khi tìm thị trường. Hồ tiêu hiện nay chủ yếu sản xuất ra để xuất khẩu nên dựa vào thị trường nước ngoài. Những năm qua, doanh nghiệp vẫn chủ yếu tự mò mẫm nên rất cần thông tin thị trường, các quy định về nhập khẩu”, bà Liên bày tỏ.
Hiện nay, rào cản thị trường ngày càng gắt gao. Theo bà Liên, các nước châu Âu, Mỹ có hơn 530 quy định chỉ số, về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Doanh nghiệp nhỏ và vừa phải xoay như chong chóng để đáp ứng được các quy định này.
Ngoài ra, tình trạng gian lận thương mại, giao dịch online cũng đã và đang gia tăng. Doanh nghiệp ngành hồ tiêu thực sự chưa kịp thích ứng để chuẩn bị với sự gian lận trên nhiều thị trường quốc tế.
Có nhiều năm theo sát hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiến vào các thị trường lớn ở châu Âu, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ, cho biết một số doanh nghiệp SME Việt Nam còn gặp khó khăn trong đàm phán thương mại, dễ trở thành nạn nhân của lừa đảo quốc tế do thiếu kinh nghiệm và “chiều lòng” khách hàng quá mức.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn đi theo lối mòn, chưa thay đổi phù hợp với nhu cầu thị trường. Để cạnh tranh, các SME Việt Nam cần chủ động xây dựng chiến lược chăm sóc khách hàng, nắm bắt xu hướng và phát triển sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, nhiều doanh nghiệp SME Việt Nam còn gặp khó trong việc tiếp cận vốn và thiếu kỹ năng quản trị, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh.
CẦN SỰ HỖ TRỢ THIẾT THỰC, CỤ THỂ
Thị trường châu Âu yêu cầu các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may, phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh và bền vững, bao gồm quy định về điều kiện lao động và cam kết không sử dụng lao động cưỡng bức. Vì vậy, SME cần cải thiện công tác kế toán, hợp đồng lao động để đạt yêu cầu của các công ty kiểm toán trung gian, đồng thời ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý.
.Thời điểm trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam tập trung nhiều vào thị trường các tỉnh phía nam của Trung Quốc, tuy nhiên trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã quan tâm và đầu tư sâu hơn vào thị trường tỷ dân. Để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc hiệu quả, doanh nghiệp cần tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng mọi yếu tố của quốc gia nước bạn trước khi tiến hành thâm nhập. Bởi thực tế chỉ ra rằng xu hướng tiêu dùng của quốc gia tỷ dân đang thay đổi từng ngày và các doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi mới có thể tồn tại cũng như đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Bích Phượng, CEO Công ty Sao Khuê Food, chia sẻ châu Âu là thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng đầy thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù có sản phẩm chất lượng, việc tiếp cận và chinh phục thị trường EU không hề đơn giản.
“Doanh nghiệp của tôi đã mất gần một năm để hoàn thiện các chứng nhận xuất khẩu, vừa mất nhiều thời gian, vừa tốn kém chi phí. Ngoài ra, việc tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế, dù mang lại cơ hội lớn, nhưng lại là gánh nặng tài chính khi mỗi lần tham dự có thể tiêu tốn hơn 100 triệu đồng/người”, bà Phượng cho biết.
Đồng thời, bà Phương cũng bày tỏ mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giúp SME vượt qua khó khăn, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường quốc tế. Những trăn trở này đang là bài toán lớn đối với các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận “miếng bánh lớn” tại thị trường quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Tam Nông Việt Nam, cho biết mặc dù đã nỗ lực tìm hiểu và áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững vào uy trình sản xuất, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu này. Các tiêu chuẩn xanh và bền vững ngày càng phức tạp và khắt khe, đặc biệt khi phải phù hợp với từng thị trường quốc tế khác nhau.
Hiện tại, doanh nghiệp không chỉ cần đầu tư nguồn lực để nâng cấp công nghệ sản xuất mà còn phải thường xuyên cập nhật các quy định mới. Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin về các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các yêu cầu cụ thể từ các thị trường lớn, còn gặp nhiều hạn chế. Điều này khiến doanh nghiệp không thể xây dựng lộ trình bài bản và dài hạn để đáp ứng những tiêu chí cần thiết.
Bà Vân Anh cho rằng các SME Việt rất cần sự hỗ trợ thiết thực từ các cơ quan quản lý và tổ chức xúc tiến thương mại, như cung cấp thông tin cụ thể, hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn và tổ chức các chương trình đào tạo. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng xanh đang trở thành một yêu cầu tất yếu trên toàn cầu.