Hợp tác công – tư(PPP) là hình thức hợp tác giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân nhằm huy động các nguồn lực tài chính, kỹ thuật, và quản lý từ khu vực tư để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng và cung cấp dịch vụ công. Với vai trò ngày càng quan trọng, PPP được xem như một động lực chiến lược góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng dịch vụ công và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Đặc biệt, đây là mô hình có thời gian hợp tác dài hạn (thường từ 10 đến 30 năm), đủ giúp khu vực tư nhân tham gia vào khâu đầu tư, xây dựng, vận hành hoặc bảo trì dự án; phân bổ rủi ro hợp lý giữa hai bên.
![]() |
Để phát triển hạ tầng ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, PPP sẽ là giải pháp thu hút được nguồn lực tư nhân tham gia nhiều. Ảnh: Như Ý |
Thực tế phát triển ở Việt Nam và các nước cho thấy, vai trò của PPP phát huy nhiều tác dụng trong việc phát triển hạ tầng, dịch vụ công và chuyển giao công nghệ. Chỉ riêng về phát triển hạ tầng, mô hình PPP đã phát huy rất tích cực trong huy động vốn tư nhân, giúp giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước.
Theo Ngân hàng Thế giới, mỗi năm các nước đang phát triển cần khoảng 1,5 – 2 nghìn tỷ USD để đáp ứng nhu cầu hạ tầng, trong khi ngân sách công chỉ đáp ứng khoảng 40%. Còn theo tính toán của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nước tính nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam khoảng 480 tỷ USD vào năm 2030.
Triển vọng Cơ sở hạ tầng Toàn cầu, một sáng kiến của G20, ước tính rằng Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ USD để đạt được các mục tiêu về cơ sở hạ tầng vào năm 2040.
Tính toán của Bộ Tài chính cũng cho thấy, Việt Nam cần hơn 2 triệu tỷ đồng cho đầu tư hạ tầng giai đoạn 2021–2030, trong khi ngân sách chỉ có thể đáp ứng khoảng 50%. PPP giúp tận dụng dòng vốn tư nhân, kể cả đầu tư nước ngoài (FDI), để bù đắp thiếu hụt này. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhiều dự án điện mặt trời, điện gió đã được triển khai với nguồn vốn tư nhân lên tới hàng tỷ USD.
Quá trình triển cho thấy, lĩnh vực giao thông chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các dự án PPP tại Việt Nam, đặc biệt là hình thức BOT. Giai đoạn 2011–2020 có hơn 330 dự án giao thông theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư khoảng 1,6 triệu tỷ đồng.
Một số dự án tiêu biểu cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, quốc lộ 1A qua Bình Thuận...
Lĩnh vực y tế mới triển khai dự án thí điểm tại một số bệnh viện tuyến trung ương và địa phương. Trong đó, dự án PPP đáng chú ý hợp tác đầu tư xây dựng Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E với tổng vốn khoảng 250 tỷ đồng. Hình thức chủ yếu thuê – mua thiết bị y tế, khai thác cơ sở vật chất bệnh viện.
Lĩnh vực giáo dục chưa phổ biến, chủ yếu tập trung ở cấp đại học và dạy nghề. Một số trường đại học hợp tác với doanh nghiệp xây dựng cơ sở vật chất, ví dụ: Trường Đại học Việt - Nhật, Trường Đại học FPT. Các dự án thường mang tính thử nghiệm và đến nay chưa nhân rộng được mô hình PPP trong phổ thông.
Các chính sách và khung pháp lý hiện hành Luật PPP năm 2020 (hiệu lực từ 2021) là văn bản pháp lý cao nhất, tạo khung pháp lý thống nhất. Nghị định 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật PPP. Các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế, hỗ trợ đất đai, chia sẻ rủi ro doanh thu (nhà nước – nhà đầu tư chia sẻ 50:50 nếu chênh lệch lớn hơn 25%). Danh mục lĩnh vực ưu tiên PPP giao thông, năng lượng, hạ tầng công nghệ thông tin, giáo dục – đào tạo, y tế, nông nghiệp.
Việc huy động được nguồn vốn lớn từ khu vực tư nhân đã giúp giảm gánh nặng ngân sách, cải thiện đáng kể hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia đồng thời tạo môi trường pháp lý đồng bộ hơn từ khi Luật PPP có hiệu lực.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại những hạn chế: tỷ lệ thực hiện dự án PPP thành công còn thấp chỉ khoảng 20% dự án đăng ký được triển khai thực tế.
Chưa có nhiều dự án PPP lớn trong lĩnh vực y tế, giáo dục, công nghệ. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư còn thiếu minh bạch, thủ tục phức tạp. Nhà đầu tư vẫn e ngại rủi ro về pháp lý, tài chính và chia sẻ doanh thu.
Hướng đi chiến lược cho tăng trưởng kinh tế
Với bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, hợp tác PPP giúp chia sẻ rủi ro và chi phí giữa nhà nước và tư nhân. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính), tổng vốn đầu tư theo hình thức PPP giai đoạn 2011–2021 đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó phần vốn tư nhân chiếm khoảng 40–50%. Nhờ PPP, ngân sách Nhà nước không phải chi trả toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu, giúp giảm áp lực tài khóa.
Để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, PPP là một giải pháp chiến lược nhằm giải quyết bài toán tài chính, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển hạ tầng bền vững.
Việc hợp tác này cũng giúp các doanh nghiệp tư nhân thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực quản trị.
Các doanh nghiệp tư nhân thường mang theo kỹ thuật, công nghệ và mô hình quản lý tiên tiến khi tham gia vào dự án PPP.
Ví dụ: Trong dự án đường cao tốc Bắc – Nam, các nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu ứng dụng hệ thống giám sát giao thông thông minh ITS (Intelligent Transportation Systems). Điều này thúc đẩy năng lực vận hành và giám sát hiện đại hóa trong lĩnh vực công.
Nhờ có khu vực tư nhân tham gia, các dịch vụ công như y tế, giáo dục, giao thông… trở nên đa dạng, hiệu quả hơn.Ví dụ: Bệnh viện PPP như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hoạt động theo tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp dịch vụ cao cấp với chi phí hợp lý.Cơ sở hạ tầng như cảng biển, sân bay, đường cao tốc được vận hành linh hoạt và chất lượng phục vụ được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, bên cạnh việc thúc đẩy PPP, các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân cũng phải đối mặt không ít thách thức. Đầu tiên là những hạn chế về khung pháp lý và minh bạch thông tin. Nhiều quy định pháp lý chưa đồng bộ giữa các bộ ngành, gây chồng chéo trong quản lý dự án.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2023), 60% nhà đầu tư cho biết, thiếu minh bạch là rào cản lớn nhất khi tham gia dự án hợp tác công tư (PPP) tại Việt Nam. Chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ và minh bạch về các dự án đang và sẽ triển khai. Rủi ro phân bổ không hợp lý giữa hai bên nhà đầu tư thường phải chịu nhiều rủi ro như biến động lãi suất, tỷ giá, trong khi Nhà nước chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng.
Theo thống kê, có tới 45% các dự án PPP bị chậm tiến độ do vướng mắc trong phân chia rủi ro. Thiếu năng lực triển khai và giám sát dự án nhiều cơ quan quản lý địa phương chưa có đủ kinh nghiệm và nguồn lực để thực hiện các dự án lớn.
Báo cáo của ADB năm 2022 cũng cho thấy, chỉ có khoảng 30% địa phương có đội ngũ chuyên trách về quản lý và giám sát dự án PPP. Công tác giám sát thường mang tính hình thức, thiếu tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả rõ ràng.
Một trong những rào cản lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân tham gia PPP chính là sự thiếu vắng trách nhiệm giải trình, luật về PPP chưa được hoàn thiện, tính minh bạch vẫn chưa được nâng cao. Luật PPP ban hành năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện, đặc biệt ở cấp địa phương.
Theo thống kê, đến năm 2023 chỉ có khoảng 200 dự án PPP được triển khai (giai đoạn 2016–2023), giảm mạnh so với tiềm năng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại rủi ro pháp lý do quy định chưa rõ ràng về giải quyết tranh chấp và quyền lợi đầu tư.
Theo Ngân hàng Thế giới, một trong những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư rút khỏi dự án PPP tại Việt Nam là rủi ro liên quan đến tỷ giá, rủi ro thay đổi chính sách… không được chia sẻ đồng đều. Chỉ khoảng 30% cán bộ quản lý dự án PPP tại các địa phương được đào tạo chuyên sâu.
Thiếu hệ thống quản lý, đánh giá hiệu quả dự án dẫn đến thất thoát vốn và kéo dài thời gian thực hiện. Ví dụ: Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (giai đoạn đầu theo hình thức PPP) bị chậm hơn 3 năm do thay đổi cơ chế và yếu kém trong giám sát.
Để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, PPP là một giải pháp chiến lược nhằm giải quyết bài toán tài chính, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển hạ tầng bền vững. Tuy còn nhiều thách thức về pháp lý.
Nếu quản lý và chia sẻ rủi ro, song với khung pháp lý hoàn thiện và môi trường đầu tư minh bạch hơn, PPP hoàn toàn có thể trở thành động lực đột phá cho tăng trưởng kinh tế quốc gia trong giai đoạn tới cùng với sự tham gia phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.