Trong Dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đề xuất, những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo có nội dung: “Không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý”. Đề xuất này nhận về nhiều ý kiến khác nhau, có người cho là rất nhân văn, bảo vệ quyền lợi, danh dự của nhà giáo nhưng cũng có người lo ngại việc này sẽ dẫn tới bưng bít thông tin tiêu cực, sai phạm của nhà giáo.
Các nhà giáo, chuyên gia ủng hộ nội dung bảo vệ danh dự nhà giáo |
Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, giáo viên Trường THPT Hoài Đức B, huyện Hoài Đức (Hà Nội), nói rằng, khi sự việc nào đó xảy ra nhưng chưa có kết luận rõ ràng nhưng lại bị đồn đoán, đẩy sự việc đi xa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến danh dự của thầy cô. “Nghề giáo là một nghề đặc biệt. Giáo viên đứng trên bục giảng, rất cần sự tôn trọng của học sinh, phụ huynh. Tự dưng có sự hoài nghi hay không tôn trọng, thầy cô sẽ rất khó khăn đứng lớp dạy học”, cô Nga nói.
Theo cô Nga, quy định kể trên không có nghĩa là sẽ bưng bít thông tin. Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, cần thiết phải công bố thông tin sai phạm nhằm làm trong sạch môi trường sư phạm, đồng thời cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh những người khác. Trong bối cảnh công nghệ phát triển, học sinh lăm le điện thoại trong tay nên các hoạt động trong lớp có nguy cơ bị lộ ra ngoài, giáo viên rất áp lực.
Cô Bùi Thùy Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Bàn (Hà Nội), chia sẻ, khi có sự việc liên quan đến giáo viên xảy ra, chính họ bị ảnh hưởng tâm lý nhiều nhất, cần được hỗ trợ nhất. Do đó, không nên vội vàng công bố thông tin cá nhân và sự việc sai phạm của giáo viên, tránh tác động tiêu cực tới cá nhân. Cô Linh đánh giá, nội dung trong dự thảo Luật Nhà giáo mang tính nhân văn, bảo vệ quyền lợi của giáo viên.
Ngay tại Trường THPT Thạch Bàn, mới đây dư luận cũng xôn xao vì thông tin học sinh có hành động phản cảm với cô giáo ngay trong lớp học. Khi video bị đưa lên mạng xã hội, nhiều người chưa hiểu rõ ngọn ngành, đầu đuôi câu chuyện đã vội bình luận, thậm chí phán xét cô giáo lẫn hiệu trưởng nhà trường. “Giáo dục là nghề dạy người. Khi sự việc chưa sáng tỏ, những thông tin chưa xác thực không chỉ ảnh hưởng đến giáo viên mà rộng hơn, ảnh hưởng đến ngành cũng như tạo ra dư luận xã hội không tốt. Khi đó, câu chuyện đi theo một hướng xa hơn và những giáo viên non trẻ có thể gục ngã trước búa rìu dư luận”, cô Linh nói.
Bảo vệ uy tín, danh dự
Về nội dung trong dự thảo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), lý giải đề xuất nhằm bảo vệ giáo viên trong hoạt động nghề nghiệp. Bởi khi sự việc chưa có kết luận của cơ quan chức năng nhưng vẫn công bố thông tin sẽ tạo áp lực rất lớn, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà giáo. Nhà giáo ngoài truyền đạt chuyên môn còn phải làm gương cho học sinh.
“Quy định không công khai thông tin sai phạm của giáo viên không phải là dung túng cho sai phạm mà là bảo vệ bí mật trong quá trình xác minh, giải quyết. Còn khi có kết luận chính thức, xác định có vi phạm thì nhà giáo vi phạm đến đâu sẽ bị xử lý đến đó theo quy định của pháp luật, không có ngoại lệ”. Luật sư Đặng Văn Cường
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội), nói rằng, quy định kể trên phù hợp với bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của nhà giáo và phù hợp với các nguyên tắc chung của pháp luật. Theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, mọi người đều được pháp luật bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, uy tín, được bảo vệ về quyền nhân thân, quyền hình ảnh và bảo vệ bí mật đời tư cá nhân.
Theo ông Cường, thời gian qua có không ít vụ việc hình ảnh, thông tin tiêu cực chưa được kiểm chứng bị tùy tiện đăng tải lên mạng xã hội với những nội dung bình luận thiếu tích cực, thậm chí ác ý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của giáo viên. Việc thông tin chưa đầy đủ tạo ra dư luận xã hội thiếu tích cực cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình giải quyết vụ việc, đặc biệt là tác động tiêu cực đến tâm lý của những người trong cuộc. Bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm của giáo viên là bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người thầy, là phù hợp với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam.