Bà Nguyễn Thị Thành, một hộ dân phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội không đồng ý phương án xây dựng nhà hát mới. Theo bà Thành, các công trình kiến trúc quanh khu vực Nhà hát lớn Hà Nội đã nhiều, cố “nhét” thêm một công trình sẽ ảnh hưởng đến tổng thể không gian khu vực.
Đại diện UBND phường Tràng Tiền cho biết, hiện phường chưa có thông tin chính thức về phương án xây dựng nhà hát đằng sau Nhà hát Lớn. Tuy nhiên, với chức năng quản lý địa bàn, vị này cho rằng xây dựng nhà hát khu vực phía sau Nhà hát Lớn không hợp lý bởi ở đây không có đủ điều kiện hạ tầng giao thông.
Phía sau Nhà hát Lớn là khu vực Nhà hát Kịch Việt Nam |
TS.Nguyễn Xuân Diện (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) không đồng tình với việc đặt Nhà hát các dân tộc Việt Nam sau Nhà hát Lớn Hà Nội. Theo vị chuyên gia này, khu vực Nhà hát Lớn Hà Nội đã có những công trình tuổi đời trên 100 năm. Đó là Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), Nhà hát Lớn Hà Nội. Việc xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở vị trí đó sẽ làm gia tăng mật độ công trình kiến trúc, rất khó hài hòa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, vị trí được lựa chọn xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chí như: có giá trị dấu ấn, kết nối để tạo ra một quần thể văn hoá. Bộ VHTT&DL đang nghiên cứu phương án xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam ở phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội. Nếu nhà hát được xây dựng ở vị trí này sẽ mở rộng không gian Nhà hát Lớn, tạo thành quần thể mang dấu ấn văn hóa riêng cho Hà Nội.
Trước đây, để làm công trình khách sạn HILTON gần đấy, các kiến trúc sư đã tính toán rất kỹ và tạo được cảnh quan phù hợp. Đó là chưa kể, khi người Pháp xây dựng Nhà hát Lớn và Bảo tàng Louis Finot họ đã tính toán rất kỹ về hệ thống công trình ngầm bên dưới lòng đất. Ví như hệ thống thoát nước liên kết với cả khu khách sạn Metropole (khách sạn 5 sao đầu tiên của Việt Nam) đã rất hoàn hảo. Bây giờ, nếu chúng đụng vào hệ thống cống ngầm thì sẽ vô cùng phức tạp.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu ý kiến: Nhà hát các dân tộc không nhất thiết phải chất tải ở nội đô mà có thể tính đến tổ hợp không gian hài hòa để người dân đến nhà hát có thể cảm nhận được đó là công trình đại diện cho 54 dân tộc anh em.
TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Quy hoạch từ năm 1992, quyhoạch năm 1998, đã quy định rất rõ không gian xung quanh Nhà hát Lớn không được chất tải công trình nào nữa. Quy hoạch chi tiết khu vực đã xác định rõ từng mảnh đất phục vụ mục đích gì. "Ngoài ra, một nhà hát cao cấp dự định xây dựng sẽ tạo áp lực lớn về giao thông, nhất là giao thông tĩnh. Hà Nội không thiếu vị trí đắc địa để xây dựng nhà hát quốc gia", ông Nghiêm nói.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, thời kỳ Pháp để lại cho Hà Nội nhiều công trình, kiến trúc trong đó Nhà hát Lớn là công trình kiến trúc đặc biệt, một công trình biểu tượng. Nhà hát Lớn không chỉ đặc biệt riêng nó mà còn là điểm nhấn quy hoạch cho các tuyến phố xung quanh như Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi... Tất cả các công trình kiến trúc sau này đều tôn vinh điểm nhấn này. Ví dụ như Nhà hát Lớn cao 32m từ đỉnh thóp thì tất cả các công trình xung quanh đều không cao hơn chiều cao này.
Sau quy hoạch năm 1998, có nhiều đề xuất phương án khai thác không gian xung quanh Nhà hát Lớn. Có ý tưởng di dời trụ sở Tổng Cục địa chất để làm các công trình không gian xanh công cộng phục vụ hoạt động của Nhà hát Lớn. Sau này có những dự án khác quanh Nhà hát lớn như cải tạo vườn hoa, quảng trường Nhà hát Lớn. Biến đây trở thành khu vực đỗ xe phục vụ hoạt động nhà hát. Tại vườn hoa bố trí những biểu tượng nhỏ để ghi nhận sự kiện đặc biệt Quốc hội họp lần thứ I đã tổ chức tại địa điểm này... Tất cả các dự án liên quan đều không nhận được sự đồng tình của người dân, chuyên gia trong và ngoài nước.