
Ảnh hiện trường (trong hồ sơ) tai nạn ở Trà Ôn, Vĩnh Long khiến bé gái 14 tuổi tử vong - Ảnh: Luật sư cung cấp
"Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Trà Ôn ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do "người thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đã chết" (trích thông báo số 1710). "Người thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội" mà Công an huyện Trà Ôn nhắc tới không ai khác ngoài cháu Nguyễn Ngọc Bảo Trân (sinh năm 2010, đã chết trong vụ tai nạn).
Việc quyết định này đã bị hủy bỏ để Công an tỉnh Vĩnh Long thụ lý điều tra lại chứng minh quá trình giải quyết vụ án ban đầu của Công an huyện Trà Ôn chưa đảm bảo quy định pháp luật.
Vậy theo các quy định pháp luật, "người thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội" được hiểu như thế nào?
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là ai?
Theo thạc sĩ Ngô Minh Tín (giảng viên Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM), hành vi nào pháp luật cấm không được làm hoặc yêu cầu phải làm mà chủ thể làm ngược lại đều được xem là hành vi nguy hiểm.
Tùy mức độ nguy hiểm của hành vi mà lý luận chia ra thành bốn loại vi phạm pháp luật: hình sự, hành chính, dân sự và kỷ luật.
Ông Tín phân tích nếu xét cụ thể hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, tùy thuộc mức độ, tính chất (thể hiện thông qua hành vi vi phạm và hậu quả...) thường là vi phạm hành chính nhưng nếu gây thương tích từ 61% hoặc chết người thì chuyển thành vi phạm pháp luật hình sự.
Trường hợp tai nạn có lỗi của cả nạn nhân, ví dụ ông A lái xe khi trong người có nồng độ cồn va chạm với B vượt đèn đỏ làm B chết tại chỗ. Trong trường hợp này cả A và B đều vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên cần xem xét hai hành vi nguy hiểm này, hành vi nào là nguyên nhân dẫn đến tai nạn làm chết người (xét quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả).
Ví dụ sau quá trình điều tra, cơ quan điều tra kết luận hành vi vượt đèn đỏ của B là nguyên nhân dẫn đến tai nạn, vậy hành vi của A là vi phạm hành chính, hành vi của B là vi phạm hình sự.
Do đó quan trọng là cơ quan chức năng phải xác định hành vi nào là nguyên nhân dẫn đến tai nạn thì mới có thể kết luận. Muốn làm việc này phải thu thập đủ chứng cứ, đặc biệt giai đoạn khám nghiệm hiện trường vì ở đó sẽ đo vẽ được quá trình di chuyển của các phương tiện liên quan.
Cần xác định rõ ai thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội
Cũng theo thạc sĩ Ngô Minh Tín, trong mọi trường hợp khi xét cấu thành vi phạm pháp luật, cơ quan chức năng cần xác định "mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan và khách thể" nhằm trả lời cho hai câu hỏi chính (1) Có hành vi vi phạm pháp luật không? (2) Hành vi đó do ai thực hiện và ai chịu trách nhiệm. Như vậy cơ quan chức năng phải xác định chủ thể thực hiện hành vi và chủ thể chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật đó.
Khoản 7 điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự nêu "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm với người khác" như vậy là rõ ràng vì khi giải quyết vụ án hình sự, bắt buộc cơ quan chức năng phải trả lời được câu hỏi ai thực hiện, ai chịu trách nhiệm.
Theo luật sư Đỗ Trúc Lâm (Đoàn luật sư TP.HCM), quy định không khởi tố vụ án khi "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết" chỉ áp dụng khi xác định có tội phạm, nghĩa là người này phải là người có hành vi cấu thành tội phạm theo khái niệm quy định tại điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân...
Luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng cụm từ "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội" là thuật ngữ mang tính kỹ thuật tố tụng. Một trong các căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự là "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác" nhằm loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp không còn người phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên việc vận dụng quy định này đòi hỏi phải xác định rõ ai là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không chứ không thể tùy tiện sử dụng.
Người có hành vi nguy hiểm là người vi phạm pháp luật
Đó là ý kiến của luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn luật sư Hà Nội). Ông Hướng cho rằng trong các vụ tai nạn giao thông, cơ quan có thẩm quyền giải quyết có thể xác định "người có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đã chết" đó là đã có người tử vong do chính vụ tai nạn gây ra cho người có hành vi tác động vào vụ việc.
Tại khoản 1 điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định "cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án khi "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết".
Cụ thể là người có hành vi vi phạm Luật Giao thông gây ra tai nạn, hậu quả dẫn đến chết người hoặc gây hậu quả mà chính người đó cũng chết trong vụ tai nạn đó thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định đó là trường hợp "người có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đã chết".
Ví dụ một người lái xe say xỉn gây tai nạn liên hoàn làm nhiều người bị thương và một người chết, bản thân người lái xe say xỉn cũng tử vong trong vụ tai nạn này. Trong trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định "người có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đã chết" thì cần phải đình chỉ điều tra đối với người nói trên.
Đồng ý với ý kiến của luật sư Hoàng Văn Hướng, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho rằng quy định "người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết" là một trong các trường hợp mà cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự quy định tại khoản 7, điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là người đã có hành vi phạm tội, xâm phạm tới khách thể mà luật hình sự quy định và được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nội dung này được quy định cụ thể tại điều 8 Bộ luật Hình sự: người thực hiện hành vi nguy hiểm là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến khách thể mà luật hình sự bảo vệ được coi là "tội phạm" và phải chịu trách nhiệm pháp lý.
