Kinh hãi ổ rắn bò lổm ngổm trong điều hòa nhà dân ở Tây Ninh

Admin

Chủ nhà nghe thấy âm thanh kỳ lạ phát ra từ điều hòa, sau đó kiểm tra thì tá hỏa phát hiện ổ rắn bò lổm ngổm bên trong.

Kinh hãi rắn bò trong điều hòa

Chiều 22/5, anh Nguyễn Duy Tân (28 tuổi, xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đến bảo dưỡng điều hòa tại nhà một người dân cùng xã.

Nữ chủ nhà nói nghi ngờ có rắn bên trong điều hòa khi liên tục nghe thấy những âm thanh kỳ lạ. Trước đó, người này cũng trông thấy đuôi rắn thò ra, tỏ ra vô cùng kinh hãi.

"Đó là một căn nhà cấp 4, nằm cạnh một bãi đất trống, cây cỏ mọc dại nhiều", anh Tân miêu tả.

Người thợ kiểm tra thiết bị, phát hiện bên trong có 4 con rắn màu xanh, không rõ chủng loại, đang bò lổm ngổm. Anh vội dùng kìm và các thiết bị, đứng từ xa kẹp rắn ra ngoài rồi giết chúng ngay dưới sàn nhà.

"Hai loại rắn dễ chui vào điều hòa nhất là rắn lục và rắn ráo", anh nói. Sau đó, anh đăng tải đoạn video "bắt rắn" lên mạng xã hội nhằm cảnh báo khách hàng, đã thu hút sự quan tâm của người dùng mạng.

Tài khoản Kiều Trang hoảng hốt: "Nghĩ đến cảnh đi làm về nhà bật điều hòa, ngửa mặt lên nhìn thấy đàn rắn như thế này chắc chết đứng".

Trong khi đó, tài khoản Minh Anh đặt nghi vấn làm cách nào rắn có thể chui vào điều hòa?

Chị Nguyễn Hiền (32 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể lần gia đình gọi nhóm thợ điện lạnh đến tháo tổ chim khỏi cục lạnh điều hòa. Mấy ngày trước, chị nghe tiếng chim kêu từ phòng ngủ tầng hai, song không rõ vị trí.

"Khi trông thấy phân chim rơi từ điều hòa, tôi mới ngã ngửa", chị kể.

Người phụ nữ cho hay dù điều hòa liên tục hoạt động, đàn chim vẫn sống bình thường. Nhóm thợ đã "giải cứu", thả chúng về thiên nhiên, đồng thời làm sạch thiết bị.

Kinh hãi ổ rắn bò lổm ngổm trong điều hòa nhà dân ở Tây Ninh ảnh 1
4 con rắn bò lổm ngổm trong điều hòa (Ảnh: NVCC).

Chuyên gia khuyến cáo

Anh Phan Tuấn (43 tuổi, chủ một cửa hàng điện lạnh ở Hà Tĩnh) cho biết ngoài rắn, một số loài động vật khác có thể chui vào điều hòa như: gián, thằn lằn, chuột,… gây chập thiết bị, nghiêm trọng hơn là đe dọa tính mạng con người.

"Chúng thường chui qua lỗ thông tường từ trong ra ngoài khi thợ lắp đặt không bịt lỗ này bằng vữa (hoặc cao su non), theo đường ống thải hoặc cửa thông gió điều hòa", anh nói.

Khi có tiếng động lạ, người dân không nên tự động mở nắp điều hòa, dẫn đến bị rắn cắn và giật điện. Thay vào đó, người dân cần ngắt điện, gọi thợ bảo hành hoặc kỹ thuật viên chuyên nghiệp. Họ sẽ có cách để mở và sửa chữa bằng các dụng cụ an toàn.

"Người tiêu dùng nên bảo dưỡng điều hòa định kỳ 4-5 tháng/lần, vệ sinh dàn nóng, cục lạnh, chặt bớt cây cối rậm rạp xung quanh nhà", anh Tuấn cho hay.

Kinh hãi ổ rắn bò lổm ngổm trong điều hòa nhà dân ở Tây Ninh ảnh 2
Chuyên gia khuyến cáo người dân bảo dưỡng điều hòa định kỳ 4 - 5 tháng/lần (Ảnh minh họa).

Một giảng viên môn Kỹ thuật nhiệt, Khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khuyến cáo người dân không nên lắp đặt dàn nóng điều hòa quá gần mái nhà, cây xanh.

Đồng thời khi khoan tường đưa dây đồng, ống thoát nước vào dàn điều hòa, người thợ phải kiểm tra lại khe hở tại vị trí đó. Đồng thời dùng tấm chắn mắt lưới nhỏ để bít các lỗ hở nhằm tránh những loài vật như chuột, rắn,... bò vào nhà qua đường này.

"Để phát hiện rắn hay các loài bò sát chui vào điều hòa không có biện pháp gì hơn là kiểm tra thường xuyên. Nhiều gia đình dùng điều hòa suốt thời gian dài nhưng không vệ sinh, không kiểm tra hàng năm", ông nhấn mạnh.

Với những gia đình có cây cối rậm rạp, chuyên gia nói không nên lắp đặt ống thoát nước thải điều hòa sát mặt đất (nếu thấp thì nên bọc lưới kẽm ở đầu ống). Chủ nhà thường xuyên dọn dẹp, làm sạch cây cối để đảm bảo không có rắn, rết trú ngụ.

Theo Dân Trí