Thọ Điền (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) là xã nổi tiếng với làng nghề làm mật mía hơn 50 năm nay. Những ngày cuối năm, các hộ dân đỏ lửa xuyên ngày đêm để chưng mật, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Điều đặc biệt, ở xã này hiện có gần 200 hộ dân trồng mía với diện tích gần 30ha, cho quy trình sản xuất khép kín, nguyên liệu tại chỗ.
Dậy từ sáng sớm để ra đồng chặt mía, bà Phan Thị Hương (55 tuổi, trú ở xã Thọ Điền) cho biết, nghề làm mật đã gắn bó với gia đình bà hàng chục năm qua. Để có được những giọt mật thơm ngon, phải trải qua nhiều công đoạn như: làm sạch thân mía, ép lấy nước, nấu mật, chắt mật và đóng chai. Mía được dùng để ép chủ yếu là mía xanh, cứng và nhiều nước.
"Nhiều năm trước, người dân thường dùng sức trâu để ép mía, nhưng nay đã chuyển sang làm bằng máy nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Việc ép mía bằng máy cũng nâng cao chất lượng và tiết kiệm sức lực, thời gian", bà Hương nói.
Theo bà Hương, nước mía sau khi ép ra được làm sạch, loại bỏ các tạp chất, rồi cho vào những chiếc chảo lớn để nấu từ 4 - 5 tiếng. Trong thời gian đun mật, người nấu phải hết sức để ý đến độ lửa, lửa quá to sẽ bị cháy, nếu quá nhỏ sẽ cô đặc mật mía. Loại củi được dùng để nấu mật là những thân gỗ khô lâu năm. Suốt quá trình đun mật, người nấu dùng muỗng đảo đều tay và liên tục để tránh bị cháy phía dưới, tạo độ sánh, mịn. Khi nước mía chuyển sang màu nâu đen, sền sệt thì công đoạn nấu mật coi như hoàn tất và cho vào đóng chai.
Trung bình mỗi năm, làng mía Thọ Điền cung cấp ra thị trường gần 200 tấn mật thương phẩm. Ước tính toàn xã có doanh thu hơn 10 tỷ đồng từ sản phẩm mật mía.
Bà Đoàn Thị Nhàn – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ mật mía Sơn Thọ (xã Thọ Điền) - cho biết, dịp cuối năm, cơ sở nhận được lượng lớn đơn hàng do khách đặt làm quà biếu Tết cũng như chế biến thực phẩm. "So với những năm trước, năm nay sản lượng mật mía ở cơ sở cũng tăng nhiều hơn. Giá 1 lít mật mía hiện tại khoảng từ 55.000 - 60.000 đồng. Dự kiến năm nay chúng tôi thu về hàng trăm triệu đồng", bà Nhàn nói.
Ông Phạm Quang Tùng - quyền Chủ tịch UBND xã Thọ Điền - cho biết, năm nay sản lượng mật mía ở xã Thọ Điền đạt khoảng 200 tấn, trị giá hàng tỷ đồng. Địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời tăng diện tích trồng mía để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.