Nằm dọc lạch Vạn hướng ra biển, ngôi làng Trung Hậu, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An có hàng chục lò nướng cá hai bên con đường xương sống của làng. Tuy người dân ở đây không làm nghề biển, nhưng nướng cá đã là nghề truyền thống lâu đời của làng. |
Trước đây, để lấy được số lượng cá làm trong 1 ngày, các chủ lò phải dậy từ 3 - 4 giờ sáng, đến bãi biển trên địa bàn tỉnh thu mua cá. Ngày nay, để chủ động nguồn nguyên liệu, nhiều chủ lò mạnh dạn đầu tư kho bảo quản lạnh ngay tại nhà. Cá được thu mua lượng lớn từ các tàu đánh bắt xa bờ, đem về kho bảo quản để nướng dần. |
Chị Nguyễn Thị Hoa (xóm Trung Hậu, xã Diễn Vạn) cho hay: “Sáng sớm tinh mơ đã phải đi làm đến 19h công việc mới xong. Mùa hè, nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến gần 40 độ C, chị em chúng tôi vẫn phải ngồi bên bếp than nóng rực để nướng hàng tấn cá. Mùa mưa, tuy dễ chịu hơn nhưng cá phơi lâu khô hơn nên để cá chín thơm ngon đòi hỏi thời gian nướng lâu hơn”. |
Theo chị Hoa, nghề nướng cá yêu cầu tỉ mỉ, khéo léo, chịu khó. Nếu không chịu khó, kiên trì thì không sống được với nghề. |
Thâm niên hơn 10 năm nướng cá, chị Nguyễn Thị Hương (38 tuổi) cho hay, một mẻ cá nướng từ lúc đưa lên lò đến lúc chín khoảng 25-30 phút nếu cá to, 10-15 phút với cá loại nhỏ. |
“Để giữ được mức lửa vừa phải, cá chín đến độ, người nướng phải có kinh nghiệm, lật càng đều tay cá càng thơm ngon. Miếng cá ngon đạt chuẩn là bên ngoài ngả vàng, mùi thơm, trong vẫn dẻo thịt, khi ăn cá có vị ngọt, béo”, chị Hương nói. |
Nhễ nhại mồ hôi, chị Hương vẫn kiên trì ngồi bên bếp than đỏ rực, tay liên tục lật, nướng cá. |
Làng nướng cá vẫn đỏ lửa bất kể nắng, mưa. |
Mỗi ngày, các chị được chủ lò trả từ 200.000 -250.000 đồng/người. Thu nhập hàng tháng từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. |
Cá sau khi nướng xong được vận chuyển đến một số đầu mối trong huyện miền núi phía Tây Nghệ An như Con Cuông, Quế Phong, Tân Kỳ, Tương Dương... Các lò lớn vận chuyển cá nướng bằng ô tô của gia đình, các lò nhỏ hơn thì gửi theo xe khách. |
Ông Hoàng Thiên Long, Chủ tịch UBND xã Diễn Vạn cho biết: “Nghề nướng cá của làng có từ lâu rồi, nhưng khoảng 20 năm trở lại đây mới phát triển mạnh. Hiện có khoảng 30 hộ với hơn 200 lao động làm nghề. Địa phương đang làm đề án trình cấp trên xin được công nhận làng nghề để chuyển vào khu tập trung, đảm bảo môi trường và phát triển bền vững. Nếu được duyệt xây dựng khu tập trung, xã sẽ có cơ hội xây dựng khu nướng cá chuyên nghiệp hơn với các công đoạn bài bản và khoa học hơn”. |