Cánh đồng kiểu mẫu trên biên giới
Sau một thời gian “ba bám, bốn cùng” của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (Đồn BP) Hướng Phùng với bà con nông dân Hợp tác xã (HTX) Chân Mây, vựa ngô nếp TBM18 được trồng trên diện tích gần 3 héc ta đã đến kỳ thu hoạch. Cùng đó, những thửa ruộng gieo trồng hai giống lúa mới cũng bắt đầu trổ bông.
![]() |
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng trao đổi với người dân về việc chuyển đổi giống lúa mới cho năng suất cao. ẢNH: PV |
Đến thăm ruộng lúa của gia đình ông Hồ Văn Khưn - Bí thư Đảng ủy xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), mọi người tận mắt thấy dù chỉ mới gieo cấy, chăm sóc trong thời gian ngắn, song cây lúa phát triển rất tốt. Đây là giống lúa mới TBR97 và TBR225 do Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng - Chính trị viên phó của Đồn mang từ Thái Bình vào đây, rồi cùng đồng đội hướng dẫn quy trình cấy, chăm sóc bài bản nên năng suất lúa của gia đình ông Khưn tăng lên đáng kể.
“Trước đây, chúng tôi trồng lúa vất vả lắm. Bỏ nhiều công sức chăm bón nhưng năng suất rất kém, hạt lép, có năm còn mất mùa. Vụ vừa rồi, dù chỉ trồng thử nghiệm nhưng gia đình tôi thu hoạch được khoảng 3 tạ/sào. So với giống cũ, giống lúa mới này cho gạo thơm và ngon hơn, được người dân trong vùng ưa chuộng”, ông Khưn chia sẻ.
Không riêng gì hộ gia đình ông Khưn, trong vụ Đông Xuân vừa qua, hộ gia đình anh Hồ Văn Phoi - Bí thư Chi bộ thôn Bụt Việt của xã cũng trồng thử nghiệm giống lúa mới nói trên và đạt kết quả ngoài mong đợi. Anh Phoi cho biết: “Có lúa, có gạo nên đời sống no đủ hơn, không còn lo đói nữa, dân bản biết ơn bộ đội lắm. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ của Đồn BP Hướng Phùng đã cùng chúng tôi cải tạo đồng ruộng, cày, phay đất, ngâm ủ giống để kịp khung thời vụ. Được bộ đội hướng dẫn, làm cùng, giờ ai cũng quen việc, đọc và nhớ được tên tất cả các loại giống lúa mới rồi”.
Với tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhận thấy hiệu quả của giống lúa mới, 34 hộ dân thuộc 4 thôn trong xã Hướng Phùng và HTX Chân Mây đã đến Đồn BP bày tỏ nguyện vọng gieo cấy vụ Hè Thu, đồng thời đề xuất tiếp tục được quan tâm, hỗ trợ nguồn giống và kỹ thuật canh tác. Đơn vị đã đề nghị bà con nông dân cho mượn 2 thửa ruộng với diện tích 3 sào trên cánh đồng Bụt Việt để đồng hành cùng với bà con canh tác, đối chứng và lấy tên gọi là “Cánh đồng kiểu mẫu trên biên giới”.
Cầu nối giúp dân thoát nghèo
Trung tá Hồ Văn Sỹ - Chính trị viên Đồn BP Hướng Phùng cho biết, xã Hướng Phùng có diện tích tự nhiên lớn, tương đối đông dân cư, trong đó đồng bào Vân Kiều chiếm trên 55% dân số. Ngoài cây công nghiệp chính là cà phê, chanh leo, toàn xã hiện có hơn 155 héc ta gieo trồng lúa nước và 105 héc ta gieo trồng cây lương thực có hạt. Tuy nhiên, do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, lượng mưa trung bình trong năm ở mức cao nên người dân chỉ gieo trồng một vụ lúa vào chính vụ Đông Xuân, còn vụ Hè Thu thường bỏ hoang không cấy, mặc dù có hệ thống thủy lợi tưới tiêu đảm bảo.
Nắm bắt được tình hình trên, đơn vị đã cử cán bộ vận động quần chúng xuống từng nhà, từng bản để tìm hiểu rõ nguyên nhân cũng như tập tục canh tác. Qua khảo sát, nguyên nhân bà con không cấy nhiều năm nay là do gieo trồng không đúng thời vụ, nguồn giống bản địa đã bị thoái hóa do dùng năm này qua năm khác, sinh trưởng dài ngày, chịu sâu bệnh kém. Khi gặp mưa dài ngày, bà con nông dân không có thói quen phun thuốc sinh học để hỗ trợ, bảo vệ khi lúa trổ bông, vì vậy cây lúa thường phát triển kém, lép hạt, năng suất kém khiến nhiều hộ bị mất mùa…
Theo Trung tá Sỹ, vụ Hè Thu năm nay hứa hẹn đem lại kết quả tốt đẹp, sản lượng dư thừa, đơn vị sẽ là cầu nối và là điểm tiêu thụ giúp cho bà con có thêm thu nhập. Đây là động lực để những vụ năm sau bà con tiếp tục triển khai thực hiện, không bỏ hoang ruộng đất.
Bên cạnh đó, nắm bắt các điều kiện tự nhiên, đặc biệt là tỷ lệ mưa trong năm cao, Đồn BP Hướng Phùng còn phối hợp với HTX Chân Mây và Tập đoàn ThaiBinh Seed khảo sát khu vực canh tác, đồng thời lựa chọn 2 hộ dân đồng bào Vân Kiều là thành viên của HTX tổ chức tập huấn canh tác và gieo trồng thử nghiệm giống ngô nếp TBM18 trên diện tích 5 sào vụ Đông Xuân và 20m2 tại Đồn.
Kết quả cho thấy, ngô nếp cho bắp rất thơm ngon, kháng bệnh tốt, từ lúc gieo hạt tới lúc thu hoạch chỉ khoảng 65-70 ngày. Sau khi thu hoạch, nhiều tiểu thương đã chủ động đến đăng ký, đề xuất mua với giá 4.000-5.000 đồng/bắp tươi, sau khi trừ chi phí, bình quân các hộ dân lãi 7 triệu đồng.
Nhận thấy sức mua và tiêu thụ tốt, đơn vị đã tham mưu cho UBND xã và HTX Chân Mây tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng 3 héc ta với phương pháp gieo gối vụ. Đảng ủy, Ban chỉ huy Đồn phân công Chính trị viên phó Nguyễn Văn Bằng cùng với cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát A Ròng và 12 hộ dân của HTX Chân Mây canh tác, sản xuất. Giống và phân bón do đơn vị hỗ trợ.
“Chúng tôi xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của đơn vị, nhằm giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đảng ủy Đồn đã xây dựng nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo các chi bộ giao trách nhiệm cho đảng viên sinh hoạt tại thôn bản và cán bộ phụ trách hộ gia đình giúp đỡ, theo dõi và đồng hành với bà con nông dân. Qua đó, thắt chặt tình quân dân, đồng lòng chung sức giữ vững chủ quyền an ninh biên giới”, Trung tá Hồ Văn Sỹ nói.
Vùng Hướng Phùng nhờ diện tích tự nhiên rộng, nguồn thức ăn thô (rau, cỏ…) dồi dào, thời gian mùa nóng - lạnh tương đối hài hòa, phù hợp với sự sinh trưởng của loài đà điểu. Đồn BP Hướng Phùng đã mang giống về và nuôi thử nghiệm 6 con tại đơn vị. Bước đầu đà điểu sinh trưởng nhanh, chịu được thời tiết và khí hậu trên địa bàn. Nhiều hộ dân trong HTX Chân Mây và đồng bào đã thường xuyên đến đơn vị để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm, nếu thành công sẽ cho nuôi theo hộ gia đình.