Đạo văn 12 trang, sai sử liệu
Luận án tiến sĩ đã nộp lưu chiểu từ 6 năm trước, có được rút ra để chỉnh sửa?
Câu chuyện “luận án tiến sĩ đạo văn” đang nóng trở lại, khi Đại học Huế công bố kết quả xác minh nội dung tố cáo. Dù kết quả đã xác minh “có đạo văn”, lại bày ra rất nhiều thắc mắc, thậm chí bức xúc của dư luận.
Phần kiến nghị của Đại học Huế - Ảnh chụp từ văn bản của Đại học Huế
Đề nghị này khiến nhiều người thắc mắc: luận án đã được hội đồng đánh giá luận án quyết nghị thông qua, tác giả luận án đã được công nhận trình độ tiến sĩ và cấp bằng tiến sĩ; luận án cũng đã nộp lưu chiểu từ sáu năm trước (2018) sao lại được rút ra để chỉnh sửa?
Đã xác định luận án đạo văn, vi phạm liêm chính khoa học thì cần xem xét việc thu hồi, chứ đề nghị chỉnh sửa để làm gì?
Bộ GD-ĐT sẽ thẩm định nội dung bản luận án đã nộp lưu chiểu, hay là bản luận án đã chỉnh sửa?...
Luận án đã nộp lưu chiểu 6 năm, có được rút ra để chỉnh sửa?
Theo quy định của thông tư 18/2021/TT-BGDĐT (ngày 28-6-2021) của Bộ GD-ĐT, sau khi được hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo đồng ý thông qua, nghiên cứu sinh sẽ hoàn chỉnh bản luận án và nộp bản luận án hoàn chỉnh cuối cùng đó cho cơ sở đào tạo (gồm cả bản in và bản điện tử).
Bản luận án hoàn chỉnh này có chữ ký của nghiên cứu sinh, chữ lý xác nhận của người hướng dẫn, xác nhận của chủ tịch hội đồng đánh giá luận án, sau khi đã hoàn thành chỉnh sửa, bổ sung.
Đồng thời, bản luận án hoàn chỉnh cuối cùng có đầy đủ ba chữ ký xác nhận này cũng được nộp lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Sau khi hoàn tất nộp lưu chiểu luận án, và bản luận án hoàn chỉnh ấy đã được đăng toàn văn trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo trong thời gian 3 tháng thì nghiên cứu sinh mới được công nhận trình độ tiến sĩ và cấp bằng.
Vậy thì dựa trên cơ sở nào mà Đại học Huế lại yêu cầu tác giả bản luận án đã nộp lưu chiểu "phải chỉnh sửa những nội dung đã được chỉ ra trong kết luận tố cáo và nộp lưu chiểu theo quy định hiện hành"? Quy định hiện hành là quy định nào?
Trả lời về đề nghị này, ông Lê Anh Phương, giám đốc Đại học Huế, cho biết: "Vì luận án tiến sĩ của bà Lê Thị An Hòa đã được công nhận và nộp lưu chiểu tại Đại học Huế; do vậy, muốn tiếp tục lưu chiểu khi chưa có thông tin gì mới (có thể là thu hồi) thì bắt buộc tác giả luận án phải chỉnh sửa theo kết luận tố cáo".
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hào, trưởng Ban Thanh tra - Pháp chế Đại học Huế, cho rằng trong các quy định hiện hành, không có quy định luận án đã nộp lưu chiểu được phép rút ra để chỉnh sửa, nhưng cũng không có quy định cấm chỉnh sửa. Vì vậy Đại học Huế đề nghị tác giả luận án chỉnh sửa những nội dung đã xác định là đạo văn, sai sử liệu, và đợi quyết định sau cùng của Bộ GD-ĐT.
Nếu kết quả thẩm định của Bộ GD-ĐT xác định chất lượng luận án không đạt yêu cầu và thu hồi bằng tiến sĩ thì bản luận án đã chỉnh sửa ấy có còn giá trị nữa không? Lại thêm một câu hỏi bỏ ngỏ, trong ngổn ngang nhiều câu hỏi chưa được trả lời.
Bộ GD-ĐT sẽ thẩm định bản luận án nào?
Đại học Huế đề nghị tác giả chỉnh sửa luận án, đồng thời kiến nghị Bộ GD-ĐT lập hội đồng thẩm định luận án. Vậy thì Bộ GD-ĐT sẽ thẩm định bản luận án hoàn chỉnh đã nộp lưu chiểu sáu năm trước, hay bản luận án mới chỉnh sửa?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Công Hào, trưởng Ban Thanh tra - Pháp chế Đại học Huế, cho biết Đại học Huế đã gửi cho Bộ GD-ĐT bản luận án hoàn chỉnh cuối cùng và đã nộp lưu chiểu, cùng toàn bộ tài liệu xác minh đơn tố cáo. Như vậy, Bộ GD-ĐT sẽ thẩm định bản luận án đã nộp lưu chiểu, chứ không phải là bản luận án đã chỉnh sửa theo kết quả xác minh tố cáo.
Xử lý trách nhiệm người hướng dẫn và hội đồng đánh giá luận án?
Trong các quy chế về đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT và của cả Đại học Huế đều không quy định gì về việc xử lý trách nhiệm của người hướng dẫn luận án và hội đồng đánh giá luận án, trong trường hợp luận án bị phát hiện sai phạm sau khi đã công nhận.
Luận án tiến sĩ này có hai giáo viên hướng dẫn, qua hai lần bảo vệ ở hai cấp (cấp cơ sở Trường đại học Khoa học và cấp Đại học Huế) với hai hội đồng đánh giá, với 12 thành viên gồm chủ tịch hội đồng, thư ký, sáu ủy viên phản biện, bốn ủy viên khác, ngoài ra còn có hai người phản biện độc lập (phản biện kín).
Đại học Huế đã xác định luận án này là có đạo văn, có sai sử liệu thì những người hướng dẫn luận án, phản biện và chấm luận án, đứng đầu là chủ tịch hội đồng đánh giá luận án, chịu trách nhiệm gì với sai phạm này?
Nếu cho rằng không thể xử lý việc này vì các quy chế hiện hành không có quy định, thì đây là một lỗ hổng rất lớn trong việc đào tạo tiến sĩ của nước nhà mà Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng khắc phục. Và khắc phục ngay với luận án tiến sĩ sử học đã xác định có đạo văn này!