Luân canh đậu nành – Giải pháp '3 trong 1' cho sản xuất nông nghiệp bền vững

Admin

Trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng cao, đất đai ngày càng bạc màu do canh tác liên tục, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, mô hình luân canh đậu nành đang trở thành một hướng đi hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Giảm chi phí – tăng năng suất – cải tạo đất là ba lợi ích nổi bật mà cây đậu nành mang lại khi được đưa vào hệ thống luân canh.

Giải pháp canh tác bền vững giữa thách thức nông nghiệp hiện đại

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, cây đậu nành có khả năng cố định đạm sinh học nhờ cộng sinh với vi khuẩn Rhizobium ở nốt sần rễ, trung bình đạt 94 kg đạm/ha/vụ – tương đương 200 kg Urê – và trong điều kiện thuận lợi có thể đạt tới 168 kg đạm/ha. Nhờ đó, lượng phân bón hóa học sử dụng cho cả vụ đậu nành và cây trồng kế tiếp đều giảm rõ rệt – một trong những chi phí lớn nhất hiện nay đối với người nông dân.

Luân canh đậu nành – Giải pháp '3 trong 1' cho sản xuất nông nghiệp bền vững ảnh 1

Luân canh đậu nành với các cây trồng khác giúp giảm chi phí – tăng năng suất – cải tạo đất.

Không chỉ tiết kiệm phân bón, hệ rễ ăn sâu, lan rộng, có cấu trúc phân nhánh tốt của cây đậu nành còn giúp tận thu lượng dinh dưỡng còn sót lại ở tầng đất sâu như lân, kali – hạn chế thất thoát và rửa trôi ra môi trường. Đồng thời, sự tương tác giữa rễ cây và hệ vi sinh vật có lợi còn giúp cải thiện khả năng phân giải chất hữu cơ, chuyển hóa dưỡng chất thành dạng dễ hấp thu cho cây trồng sau.

Luân canh đậu nành với các cây trồng khác còn mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc cân bằng dinh dưỡng đất, cắt đứt vòng đời của mầm bệnh, sâu hại, từ đó giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều nông dân cho biết, sau mỗi vụ đậu nành, cây trồng tiếp theo ít sâu bệnh, ít cỏ dại, năng suất cao hơn và tiết kiệm khoảng 30% chi phí phân bón, đồng nghĩa việc giảm tác động bất lợi đến môi trường.

Vinasoy đồng hành cùng nông dân khôi phục giá trị cây đậu nành

Không chỉ nghiên cứu và sản xuất sản phẩm từ đậu nành, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy còn là đơn vị tiên phong thúc đẩy mô hình luân canh đậu nành tại các vùng nguyên liệu thông qua Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành (VSAC). Vinasoy đầu tư vào nghiên cứu giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa và bao tiêu đầu ra – từng bước khôi phục và nâng cao giá trị cây đậu nành trong sản xuất nông nghiệp bền vững.

Luân canh đậu nành – Giải pháp '3 trong 1' cho sản xuất nông nghiệp bền vững ảnh 2

Tại huyện Cư Jút (Đắk Nông), mô hình luân canh đậu nành – đậu phộng/bắp – khoai lang đã mang lại những kết quả tích cực rõ rệt.

Theo số liệu theo dõi của HTX sản xuất đậu nành Nam Dong trong 3 năm từ 2022-2024, các hộ nông dân sản xuất theo mô hình này doanh thu trung bình đạt từ 250-400 triệu đồng/ha/năm. Mô hình luân canh 3 vụ tại đây cho hiệu quả kinh tế cao nhất và đang được bà con nông dân hướng đến. Vai trò chính của cây đậu nành ngoài cung cấp nguồn đạm tốt cho con người, còn giúp cải tạo đất và cắt nguồn sâu bệnh hại cho các vụ tiếp theo. Nhờ đó, giúp tăng năng suất cây trồng sau vụ đậu nành, tiết kiệm chi phí phân thuốc và cải thiện đáng kể chất lượng đất canh tác.

Luân canh đậu nành – Giải pháp '3 trong 1' cho sản xuất nông nghiệp bền vững ảnh 3

Ngoài cung cấp nguồn đạm tốt cho con người, đậu nành còn giúp cải tạo “sức khỏe” đất.

Nổi bật tại khu vực này là Hợp tác xã sản xuất đậu nành Nam Dong – mô hình tiêu biểu tại Tây Nguyên, đóng vai trò tổ chức sản xuất, phối hợp kiểm soát chất lượng, hỗ trợ nông dân tiếp cận chính sách nông nghiệp và hướng tới các chứng nhận IP, VietGAP nhằm nâng cao giá trị nông sản và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc ngày càng khắt khe của thị trường. Đặc biệt, trong khuôn khổ hoạt động của Hợp tác xã, Câu lạc bộ Nông dân 3 tấn đã được thành lập, quy tụ các hộ nông dân đạt năng suất đậu nành trên 3 tấn/ha – thành quả từ việc áp dụng giống mới và kỹ thuật canh tác tiên tiến do Vinasoy chuyển giao.

Ông Phạm Văn Duẩn – thành viên HTX chia sẻ: “Trước đây canh tác tự phát, đất bạc màu, sâu bệnh nhiều, chi phí tăng. Từ khi đưa đậu nành vào luân canh, đất tơi xốp hơn, cây trồng vụ sau như đậu phộng phát triển tốt hơn hẳn, mà chi phí giảm rõ rệt.”

Lan tỏa mô hình “2 lúa – 1 đậu”, giải pháp xanh cho đồng bằng

Không chỉ hiệu quả ở Tây Nguyên, mô hình luân canh đậu nành còn được triển khai tại đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Vĩnh Phúc) và đang thử nghiệm tại đồng bằng sông Cửu Long (Vĩnh Long, An Giang…) theo hướng “2 lúa – 1 đậu”. Cây đậu nành, với đặc tính là cây trồng cạn, được bố trí giữa hai vụ lúa (Luân canh khô – ướt), giúp tiết kiệm nước, giảm cỏ dại, ngắt mạch sâu bệnh hại cây lúa, đồng thời cải tạo đất, tăng chất hữu cơ và độ tơi xốp.

Ở Đồng bằng sông Hồng, việc luân canh đậu nành vào vụ Đông giúp tận dụng đất hiệu quả, giảm áp lực trồng lúa liên tục và cải thiện chất lượng đất. Thay vì đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, bây giờ có thể dùng để phủ ruộng khi gieo đậu nành, giúp giữ ẩm, hạn chế cỏ dại và hỗ trợ cây phát triển. Sau mỗi vụ thu hoạch đậu nành, phần thân, lá và vỏ quả cùng với lượng rơm rạ còn lại trở thành phân hữu cơ, giúp cải tạo đất.

Ông Lê Hoàng Duy, Giám đốc Trung tâm VSAC, khẳng định: “Chúng tôi tin rằng cây đậu nành có vai trò đặc biệt trong hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Luân canh đậu nành không chỉ đơn thuần là giải pháp kỹ thuật canh tác nông nghiệp, mà còn là một phần trong chiến lược ESG dài hạn của Vinasoy – cùng bà con bảo vệ tài nguyên đất, nâng cao giá trị nông sản và thích ứng với biến đổi khí hậu.”

Thực tiễn cho thấy, mô hình luân canh có sự tham gia của cây đậu nành không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và giá trị cây trồng vụ sau. Đây chính là nền tảng để Vinasoy và bà con nông dân cùng hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, thân thiện với môi trường và bền vững trong tương lai.