Luật Phá sản (sửa đổi): Bổ sung đề xuất tạm hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp

Admin

Tòa án nhân dân tối cao vừa công bố dự thảo lần 2 Luật Phá sản (sửa đổi) bổ sung thêm các quy định mới như đề xuất tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi tòa án ra quyết định mở thủ tục phục hồi, quyết định mở thủ tục phá sản…

Tại dự thảo lần 2, Tòa án nhân dân tối cao cũng đề xuất các nguyên tắc cơ bản của pháp luật phá sản là công khai, minh bạch trong việc giải quyết thủ tục phục hồi và tuyên bố phá sản; công bằng trong phân chia tài sản phá sản theo thứ tự ưu tiên theo quy định pháp luật và tối đa hóa giá trị tài sản phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

BỔ SUNG NHIỀU ĐỀ XUẤT MỚI

Lần này, Tòa án nhân dân tối cao cũng quy định rõ 2 phương án đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán:

Phương án 1 là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán, trừ trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Phương án 2 là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Đặc biệt, theo điều 55, sau khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phục hồi, quyết định mở thủ tục phá sản, thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có thể bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Còn điều 6 dự thảo quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo những hành vi, quyết định trái pháp luật của người tiến hành thủ tục phục hồi, phá sản hoặc của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào trong giải quyết vụ việc phá sản.

Về thẩm quyền, Tòa án nhân dân chuyên biệt phá sản giải quyết vụ việc phá sản đối với đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tại tỉnh, thành phố trự thuộc trung ương trong phạm vụ thẩm quyền theo lãnh thổ của tòa án mình.

Một điểm mới đáng chú ý là quản tài sản, doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản phải từ chối tham gia phục hồi nếu thuộc các trường hợp sau (Điều 22):

- Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có lợi ích liên quan đến thủ tục phục hồi.

- Quản tài viên là người thân thích của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Quản tài viên đồng thời là người tham gia thủ tục phục hồi, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia thủ tục phục hồi.

- Có căn cứ rõ ràng cho rằng Quản tài viên có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, theo điều 23, sau khi mở thủ tục phục hồi, phá sản, Hội nghị chủ nợ có thể quyết định thành lập Ban đại diện chủ nợ có không quá 5 thành viên, bao gồm các chủ khoản nợ có giá trị lớn… Ban đại diện chủ nợ được quyền thay mặt các chủ nợ thực hiện giám sát hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Dự thảo cũng đề xuất quy định hòa giải trong thủ tục phục hồi, phá sản. Theo đó, quản tài viên có trách nhiệm tiến hành hòa giải về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; tranh chấp, khiếu nại về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã và báo cáo Thẩm phán kết quả hòa giải. Kết quả hòa giải thành thành được Thẩm phán ra quyết định công nhận và thông báo đối với các bên tham gia hòa giải.

ĐỀ XUẤT THỨ TỰ PHÂN CHIA TÀI SẢN

Hiện nay, dự thảo đưa ra 2 phương án về thứ tự phân chia tài sản.

Phương án 1 là: chi phí phá sản - khoản nợ lương – khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - Khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.

Phương án 2: chi phí phá sản -Khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - khoản nợ lương - Khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể, hợp đồng lao động - Khoản nợ phát sinh nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã - Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc bổ sung một số dự án luật, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 trong đó dự án Luật Phá sản sửa đổi do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo.

#box1738638526455{background-color:#73a577}