Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”.
Phòng trưng bày sẽ mở cửa đón khách tham quan tự do từ ngày 22/11 đến hết ngày 29/11/2024.
Đây là lần thứ 14 Phòng trưng bày mở cửa đón khách tham quan, tìm hiểu thông tin, các dấu hiệu nhận biết hàng thật - hàng giả đối với một số mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trên thị trường, qua đó giúp người tiêu dùng chủ động trang bị kiến thức về sản phẩm, giúp bảo vệ bản thân và gia đình.
Với chủ đề “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”, tại kỳ tổ chức này, phòng trưng bày phân chia thành 2 khu vực với trên 450 sản phẩm thuộc 5 lĩnh vực, ngành hàng chính, gồm: Thời trang; hóa mỹ phẩm; thực phẩm; trang thiết bị nhà bếp; đồ điện tử.
Trong đó, nổi bật là các thương hiệu đến từ các nước như: Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Điển hình như: bộ mỹ phẩm chăm sóc da của Daiichi Sankyo, mỹ phẩm Innisfree, Laneige của Hàn Quốc.
Ngoài ra, còn nhiều loại sản phẩm khác như: khóa YKK; giầy dép ASICS, quần áo HUMAN MADE, UniQLo, mũ bảo hiểm và dầu nhớt Honda của Nhật Bản. Bộ dụng cụ, thiết bị nhà bếp như dao, đũa, thìa, dĩa thương hiệu Zwilling của Đức hay nước yến của Việt Nam…
Phần lớn các sản phẩm trưng bày đều có đối chứng thật - giả nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng so sánh, nhận diện, qua đó trang bị thêm kiến thức cho bản thân khi mua sắm, tránh mua phải những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không an toàn cho sức khỏe người sử dụng.
Theo bà Nguyễn Minh Phương, Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, "Hiểu hàng thật - tránh hàng giả” là chủ đề xuyên suốt của Tổng cục nhằm hưởng ứng có hiệu quả Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái đã được Chính phủ chấp thuận theo đề xuất của Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam từ năm 2007.
Phòng trưng bày được tổ chức với kỳ vọng sẽ giúp người tiêu dùng Việt Nam hiểu được những thông tin cơ bản về hàng hóa, từ đó tránh mua phải những sản phẩm gian lận trên thị trường, góp phần bảo vệ bản thân và gia đình.
Chia sẻ tại sự kiện, TS. Naito Yasuaki, Giám đốc Cục sở hữu trí tuệ, Tuỳ viên Văn phòng sáng chế Nhật Bản (JPO) tại Đông Nam Á, cho biết nhiều sản phẩm Nhật Bản được thịnh hành, ưa chuộng tại Việt Nam, nhưng đồng nghĩa với đó, là hàng giả hàng nhái các thương hiệu của Nhật tại Việt Nam tăng lên rất nhiều.
Chính vì lẽ đó, Nhật Bản đã tăng cường trao đổi với các cơ quan Chính phủ Việt Nam để giải quyết vấn đề này. Việc Tổng cục quản lý thị trường trưng bày nhận biết hàng thật - hàng giả giúp nhãn hàng truyền tải được mức độ cũng như tính nghiêm trọng của hàng giả đối với người tiêu dùng.
"Chúng tôi theo dõi thường xuyên việc lưu thông hàng giả nhãn hiệu Nhật Bản tại Việt Nam và nhạy bén trong nắm bắt các xu hướng mới. Nhật Bản tăng cường đối phó với các mặt hàng giả có nguy cơ gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng như mỹ phẩm, thuốc", ông Naito Yasuak cho hay.
Để ngăn chặn hàng giả, đại diện JPO khuyến khích doanh nghiệp hai nước tận dụng tối đa các cơ quan liên quan như JPO, Tổng cục quản lý thị trường... hỗ trợ phòng chống hàng giả, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.
Mặt khác, tổ chức nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về vấn đề nghiêm trọng của hàng giả tại các địa phương. Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam nhằm thúc đẩy công cuộc chống hàng giả.