
Thí sinh tại một điểm thi ở TP.HCM thảo luận sau khi thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 - Ảnh: NGUYÊN KHANG
* Thí sinh tra cứu nhanh điểm thi tốt nghiệp THPT 2025
Thí sinh tại một điểm thi ở TP.HCM thảo luận sau khi thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 - Ảnh: NGUYÊN KHANG
* Thí sinh tra cứu nhanh điểm thi tốt nghiệp THPT 2025
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Điểm chuẩn giảm mạnh?
Với phổ điểm thi năm nay, nhiều ý kiến cho rằng các ngành có điểm chuẩn 24, 25 của năm trước có thể giảm trong năm nay. Trong khi đó khả năng các ngành điểm chuẩn 16 - 18 của năm trước sẽ tăng nhẹ.
Ông Nguyễn Trung Nhân, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, cho biết với phần lớn các ngành có điểm chuẩn 24 trở lên của năm trước năm nay nhiều khả năng điểm chuẩn sẽ giảm nhiều.
Ông Nhân giải thích thêm do trường tuyển các ngành kỹ thuật công nghệ bằng các tổ hợp khoa học tự nhiên, tiếng Anh trong khi điểm thi các môn giảm so với năm trước nên dự báo điểm chuẩn cũng sẽ giảm theo.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Sơn, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường đại học Công Thương TP.HCM, cho rằng những ngành điểm chuẩn cao năm trước điểm chuẩn năm nay sẽ giảm. Trong khi đó các ngành có điểm chuẩn thấp sẽ tăng.
"Năm nay điểm thi các môn đều giảm kéo theo điểm chuẩn giảm đối với những ngành có điểm chuẩn năm trước cao như marketing. Mức giảm từ 1 - 1,5 điểm. Năm nay số lượng thí sinh đăng ký xét học bạ và kết quả thi đánh giá chuyên biệt tăng nhiều so với năm trước.
Điểm thi giảm nhưng lượng nguyện vọng nhiều hơn nên mức điểm giảm cũng sẽ không quá nhiều. Ngược lại, những ngành có điểm chuẩn 16 - 17 của năm trước có thể sẽ tăng trong năm nay", ông Sơn nhận định.
Tương tự, bà Hoàng Thanh Tú, phó trưởng phòng Thông tin - truyền thông Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng điểm chuẩn các ngành hot của trường có thể giảm 0,5 điểm trong khi các ngành còn lại mức giảm nhiều hơn.
Bà Tú cho biết các ngành của trường đều tuyển tổ hợp có môn toán. Năm nay đề toán khó hơn, điểm giảm nhưng các môn còn lại giảm ít hơn. Hơn nữa trường mở rộng xét tuyển nhiều hơn 4 tổ hợp, các tổ hợp xét 1 điểm chuẩn nên cơ hội cho thí sinh cũng đa dạng hơn.
Môn toán: điểm trung bình giảm 1,67 điểm
Tại buổi thông tin phổ điểm do Bộ GD-ĐT tổ chức, đại diện bộ và các chuyên gia tránh bình luận sâu về độ khó của đề thi toán và dẫn con số 513 điểm 10 (trong khi năm trước không có điểm 10) như một tín hiệu mừng cho thấy đề toán không "siêu khó" như dư luận xôn xao.
Nhưng nhìn trên phổ điểm của 2 năm thì thấy có những biến động đáng kể. Điểm trung bình môn toán năm 2024 là 6,45 trong khi năm nay chỉ có 4,78. Đặc biệt có trên 56% số thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Lần đầu tiên môn toán có điểm trung bình dưới 5 (4,75 điểm), và đây cũng là môn duy nhất trong số các môn thi của kỳ thi năm nay có điểm dưới 5.
Sau môn toán, môn tiếng Anh có điểm trung bình thấp thứ 2 trong số các môn thi (5,38 điểm). Ở nhiều kỳ thi trước đây những môn như lịch sử hay sinh học thường có điểm trung bình thấp, nhưng năm nay điểm trung bình của 2 môn này lần lượt là 5,78 và 6,52.
Với những dữ liệu trên một số nhà giáo chia sẻ với Tuổi Trẻ vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng "đề toán quá khó so với trình độ học sinh phổ thông, với chương trình các em được học và so với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT".
Phân hóa tốt, phù hợp xét tuyển đại học
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, phổ điểm các môn thi cho thấy có sự phân hóa tốt, thuận lợi cho việc xét tuyển đại học. Phổ điểm các môn đều đẹp hơn năm trước, nhất là môn tiếng Anh, không còn kỳ dị khi có 2 đỉnh chóp.
Trừ môn vật lý, điểm trung bình các môn còn lại đều giảm so với năm 2024. Trong đó môn toán giảm đến gần 1,7 điểm và cũng là môn duy nhất có điểm trung bình dưới 5 trong kỳ thi năm nay. Nếu việc xét tuyển đại học tương tự năm 2024, dự báo điểm chuẩn các tổ hợp có môn toán có thể giảm 0,5 - 2 điểm.
Các chuyên gia nói gì về phổ điểm?
Tra cứu phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 trên Tuoitre.vn - Ảnh: BÉ HIẾU
Trong buổi thông tin về phổ điểm, Bộ GD-ĐT mời đến một số chuyên gia và nhà giáo để có chia sẻ về đánh giá phổ điểm thi năm nay.
GS.TS Nguyễn Đình Đức, chủ tịch Hội đồng Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, khi đánh giá chung về điểm thi các môn năm nay cho rằng tính phân hóa của đề thi năm nay tốt.
Tuy môn toán, tiếng Anh khó nhưng mừng là nhìn vào phổ điểm thì không thấy "sốc" vì điểm quá thấp nhưng cũng không có môn nào là "mưa" điểm 10. Đề cập cụ thể ở môn tiếng Anh là 1 trong 2 môn thi nhận nhiều sự quan tâm của dư luận, ông Đức cho rằng phổ điểm môn tiếng Anh đẹp phản ánh đúng thực tế.
Theo bà Nguyễn Bội Quỳnh - hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), phương thức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dành cho thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những ưu việt vì ngoài 2 môn bắt buộc, thí sinh được chọn 2 môn tự chọn là môn các em có thế mạnh, được học tốt nhất. Vì thế kết quả thi sẽ tốt hơn so với các năm trước khi thí sinh phải chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp (cùng các bài thi bắt buộc) trong đó có các môn thành phần không phải thế mạnh của thí sinh.
"Từ đề thi, kỳ thi năm nay, thầy cô giáo cũng phải xem xét lại cách dạy học, để hỗ trợ, đồng hành với thí sinh các năm sau", bà Quỳnh nói.
Ông Thái Văn Thành, giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cũng đánh giá đề thi năm nay có sự phân hóa cao, nhìn từ phổ điểm, tạo thuận lợi cho các cơ sở đào tạo đại học sử dụng kết quả để xét tuyển.
TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT):
Phổ điểm đẹp chưa chắc đã công bằng
Tôi thấy phổ điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 nhìn qua thì có vẻ "đẹp" - phân phối cân đối, hình chuông rõ nét. Nhưng khi đi vào bản chất, tôi không khỏi băn khoăn: điểm trung bình chỉ 5,38, điểm trung vị 5,25 và gần một nửa thí sinh dưới trung bình. Trong khi đó, môn vật lý đạt trung bình tới 6,99, hóa học là 6,06 - tức là rõ ràng các môn này "dễ thở" hơn hẳn về mặt điểm số.
Tôi cho rằng điều này đặt ra một nghịch lý lớn: cùng học lực, cùng nỗ lực, nhưng nếu chọn nhầm môn thi thì kết quả có thể chênh lệch tới 1 - 1,5 điểm. Với cơ chế xét tuyển đại học chủ yếu dựa vào điểm thi, đây là một bất công âm thầm mà rất nhiều thí sinh không nhìn thấy được.
Cá nhân tôi cũng đặt câu hỏi: Trong số gần 50% thí sinh dưới trung bình môn tiếng Anh, có bao nhiêu em đến từ vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ? Nếu những vùng đó chiếm tỉ trọng lớn thì rõ ràng kỳ thi này đang làm trầm trọng thêm bất bình đẳng thay vì thu hẹp nó. Khi chưa công bố dữ liệu phân vùng, phân nhóm đối tượng, tôi nghĩ mọi lời khen về "phổ điểm chuẩn hóa" hay "đề thi hợp lý" đều quá sớm.
Một kỳ thi quốc gia không chỉ cần phân hóa, mà còn phải bảo đảm công bằng - giữa các vùng miền, giữa các lựa chọn môn thi. Nếu không điều chỉnh, không chuẩn hóa theo độ khó từng môn, thì việc học sinh thiệt thòi vì chọn môn tiếng Anh sẽ còn tiếp diễn.
Và tôi muốn nhấn mạnh thêm điều này: khi tỉ lệ học sinh dưới trung bình quá cao, đặc biệt ở môn mang tính nền tảng như tiếng Anh, điều đó dễ dẫn đến một hiệu ứng ngược, đó là học sinh sẽ nản, sẽ ngại học ngoại ngữ, nhất là ở những nơi điều kiện đã khó khăn. Chúng ta muốn khích lệ các em học, chứ không phải khiến các em chùn bước vì cảm thấy "có cố cũng không thể khá lên".