Cái sự ngắn của
Mùi món Tết ướp hương tháng Chạp
Tháng chạp ngắn một cách kỳ lạ, đến nỗi năm nào chỉ thiếu một ngày cũng khiến người ta thảng thốt y như Nguyễn Bính khi xưa: 'Hôm nay hăm tám Tết rồi đây/ Tháng thiếu cho nên hụt một ngày'.
Canh măng khô
Măng phơi chỉ cần một, hai nắng là đủ. Nơi phơi măng lại dùng để hong gạo nếp cái hoa vàng, để nấu bánh chưng và đồ xôi.
Những hạt nếp óng mẩy trắng đến lóa mắt trong nắng. Đố ai có thể không bị mùi thơm đó cuốn hút đến độ không nhón lấy vài hạt nhấm thử.
Phơi cùng với gạo nếp thường là đỗ xanh nguyên hạt rồi mới đem vỡ đỗ bằng chai thủy tinh để tách vỏ.
Hạt đỗ xanh khi để nguyên vỏ chẳng thấy mùi gì, thế nhưng khi bị nghiến bằng vỏ chai thủy tinh thì mùi của đỗ tỏa ra, hăng hăng dễ chịu. Gạo nếp và đỗ xanh sẽ được dùng sớm nhất, vì cần phải đồ xôi cúng rằm cuối cùng trong năm và cho ngày 23 tháng chạp.
Mùi đỗ xanh là một mùi ấm áp hạnh phúc. Khi đỗ đã được đồ chín, nắm thành viên to như nắm tay rồi lại được cắt bằng dao ra thứ bột mịn màng nhất để gói bánh chưng, quấy chè kho, đấy là khi cái Tết đã rất gần rồi, không thể nào là mộng ảo.
Nghe mùi ngóng tết
Đến những ngày nắng của một phần ba cuối cùng của tháng chạp, nhiều mùi mới xuất hiện. Mùi nước tro bếp dùng để ngâm hành củ trước khi đem nén cũng rất khó quên. Tro bếp phải là thứ rơm nếp sạch được hóa lửa hoàn toàn, tạo ra lớp tro màu xám, rất mịn.
Đem thứ tro đó hòa với nước sạch, dùng tay khuấy đều và bóp vụn những cục tro để tạo thành một hỗn hợp. Ngâm hành vào đó, củ hành sẽ trắng và giảm 80% mùi hăng. Ngâm hành một ngày rồi mới đem nén cùng nước + muối + đường là món hành muối chua chua, giòn giòn không thể thiếu trong ngày Tết.
Thời gian trôi, năm cùng tháng tận, những mùi hương tiếp tục thay nhau ướp thơm tháng chạp. Mùi của mộc nhĩ khô, mùi của hạt tiêu sọ chưa rang xay, mùi của bó lạt giang mới tước và mùi của bóng bì màu vàng nhạt.
Mùi của miếng bóng gần như rất nhẹ sau khi rang trong chảo cát đến khi nở phồng. Miếng bóng sau khi đã tẩy rượu gừng được thái quả trám lửng lơ trong bát canh bóng thả, mùi của bóng cũng như hư vô, phải mượn hương để tỏa hương.
Nhưng mà không có bát canh bóng thả thì mâm cơm ngày Tết cũng trống vắng như thiếu bát canh măng hay đĩa gà luộc.
Thế nên, thấy miếng bì lợn luộc chín cài que tre hai đầu phơi trong nắng tháng chạp là đã hình dung bát canh bóng thả rực rỡ này là trứng tráng vàng tươi, giò lụa hồng hồng, thịt thăn trắng nõn, su hào trắng ngà, cà rốt đỏ tươi, miếng bóng vàng nhạt, đậu Hà Lan xanh mướt, nấm hương nâu sẫm, tôm nõn đỏ hồng, lá mùi xanh nõn. Và trên hết, nước canh bóng thanh ngọt bởi nước hầm xương tôm khô, phảng phất vị gừng.
Thế nên, dẫu mùi rất nhẹ nhưng miếng bóng vẫn có chỗ đứng trang trọng, bởi nó làm nên một món ăn cầu kỳ tinh hoa của ẩm thực Tết xứ Bắc.
Có một điều kỳ lạ, những thứ mùi của cái tháng giáp Tết lại khiến con người háo hức hơn so với khi tận hưởng những miếng ngon trong tháng giêng.
Chỉ cần chút nắng của tháng chạp để lên mùi các nguyên liệu dành cho ngày Tết là đủ. 30 chưa phải là Tết, tháng chạp chưa phải là Tết, Tết chưa đến nên Tết chưa trôi qua.
Để cận Tết, người ta được ăn những bữa cơm, những món ăn phảng phất vị Tết, cho dù thịt đông, giò thủ, hành nén của hôm nay cũng chỉ để thử nghiệm cho ngày Tết vẹn tròn.
Rồi hôm sau, chiếc làn đi chợ mang về gian bếp những mùi tươi mới của rau củ, thịt thà, cá mú khoe mùi đặc trưng trong không gian cô đặc, trước khi hóa thân thành những món ngon.
Nôm na vị tết
Đến 23 tháng chạp đã thấy Tết thập thò bên hiên. Nhà nhà đồ xôi, luộc gà, bày biện mâm cơm, sắm quần áo, giày mũ, cá chép để tiễn nhà Táo cưỡi chép lên Thiên đình bẩm tấu Ngọc hoàng tình hình bếp núc năm qua.
Mùi xào nấu quyện hương trầm, mùi rượu gừng bao sái ban thờ thơm nức. Nồi niêu xoong chảo cũng được lôi từ kho ra đánh rửa, phơi khô sẵn sàng cho Tết.
Sau ba vòng chợ hoa cuối cùng 27 Tết đào đã có mặt trong nhà, đào bích Nhật Tân trời càng lạnh bông càng to và thắm. Trong đêm tĩnh lặng thấy rõ hương hoa đào, nó tinh khiết và nhẹ đến mức khó nhận ra.
28 Tết mọi thứ cho Tết đã tập kết sẵn sàng. Gạo nếp đã ngâm, đỗ đã đãi, thịt thái miếng, lá dong đã rửa, lạt đã ngâm… đợi bố về để gói bánh.
Bánh gói xong cho vào nồi luộc luôn, nồi bánh chưng sôi ùng ục tỏa mùi thơm ngào ngạt, cạnh nồi bánh chưng mẹ thư thả sên mứt gừng, mứt táo.
Bố chuẩn bị thịt thủ, chân giò, mộc nhĩ, hạt tiêu, nước mắm ngon để làm giò xào. Cái mùi thơm của mứt, của giò xào quyện với mùi luộc bánh chưng ra một cái mùi thật khó đặt tên, chỉ có thể gọi nôm na là mùi Tết.
Cuộc trình diễn mùi tưởng như bất tận của tháng chạp cuối cùng cũng kết thúc vào ngày tất niên, khi chiếc làn xách về một mớ mùi già. Đây mới chính là viên ngọc mùi hương của tháng chạp, hương của sự thanh tẩy để đón Tết.
Cây mùi già chẳng còn nét gì của nhành rau mùi không thể thiếu của món ăn ngày Tết. Mùi già giấu trong lớp vỏ già cỗi một hương thơm tuyệt đỉnh khi dùng để tắm gội tẩy trần sạch sẽ và xông thơm cửa nhà.
Thứ mùi đó là mùi tối hậu của tháng chạp, trước khi chuyển giao không gian cho mùi của hương trầm, mùi của những mâm cỗ Tết.
Cũng như tháng chạp, mùi già là một sự chuẩn bị và chuyển tiếp, là bận tâm cuối cùng của con người trong tháng chạp, như tháng chạp là điều bận tâm cuối cùng của một năm sắp trôi qua.
Giờ phút thiêng liêng nhất là phút giao thừa. Giờ phút cảm thấy mình mất đi một điều gì, từ biệt ai, làm sao mà níu kéo những ngày tháng đã qua. Vì không biết năm mới sẽ đến như thế nào nên tâm trạng có chút bồn chồn, có chút xốn xang.
Thời khắc cung kính đứng lễ mâm cúng giao thừa ngoài trời tống cựu nghênh tân, kính lễ tổ tiên nội ngoại thật thiêng liêng.
Mùi hương trầm bảng lảng cùng hương trà sen quấn quýt cảm giác những lời khấn cầu đã vọng đến trời xanh, những người thân yêu nơi miền mây trắng hình như cũng đã về quây quần bên con cháu.
Bên bàn trà, bông thủy tiên trắng muốt hé nở, một mùi thơm thanh tân, quyến rũ khe khẽ tỏa hương…