UBND thành phố Hà Nội vừa có dự thảo Tờ trình gửi HĐND thành phố về việc ban hành Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn.
UBND thành phố khẳng định, đã chỉ đạo Công an thành phố phối hợp các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác xây dựng, soạn thảo nghị quyết.
Một góc phố cổ Hà Nội. Ảnh: PV. |
Cụ thể, thành phố cho biết, đã rà soát, nghiên cứu quy định của pháp luật về điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thực hiện theo Luật Cư trú các giai đoạn.
Cùng với đó, đã tổ chức họp với các sở, ban, ngành có liên quan thống nhất nội dung nghị quyết, mức diện tích nhà ở tối thiểu đưa ra; gửi dự thảo nghị quyết xin ý kiến tham gia của các đơn vị liên quan; gửi văn bản xin ý kiến của Cục Nghiệp vụ - Bộ Công an; đồng thời, đăng tải dự thảo nghị quyết trên Cổng giao tiếp điện tử của UBND thành phố để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố biết và tham gia ý kiến; tổ chức hội nghị phản biện xã hội…
Bố cục dự thảo nghị quyết gồm 3 điều, trong đó, quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ đối với khu vực ngoại thành là 8 m2/sàn/người; đối với khu vực nội thành là 15 m2/sàn/người. Diện tích nhà ở tối thiểu theo quy định này là diện tích được tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.
Trước đó, tháng 11/2022, UBND thành phố Hà Nội dự kiến trình Kỳ họp HĐND thành phố xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.
Tại dự thảo này, thành phố đưa ra quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn đối với nhóm nhà ở cũ có nguồn gốc sở hữu nhà nước thì hạn mức diện tích bình quân tối thiểu là 8 m2. Đối với nhóm nhà ở còn lại (không có nguồn gốc sở hữu nhà nước), dự thảo quy định diện tích bình quân tối thiểu là 20 m2.
Tuy nhiên, sau đó, UBND thành phố Hà Nội có văn bản hỏa tốc xin lùi thời gian trình ban hành nghị quyết này để "đảm bảo đầy đủ các bước" theo quy định.