Mặt hàng nông sản đa dạng
Điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm qua, Gia Lai đã xây dựng nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Nhờ vậy, Gia Lai đang là vùng sản xuất một số loại nông sản có quy mô lớn, giá trị kinh tế cao, nhất là cây công nghiệp và cây ăn quả.
![]() |
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh phát biểu trong buổi gặp gỡ với đoàn doanh nghiệp Nhật Bản để thảo luận về kế hoạch xúc tiến thương mại |
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh cho hay, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ. Theo ông Binh, những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, như năm 2024 ước đạt 800 triệu USD. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cà phê với 210.000 tấn, tương ứng 620 triệu USD, tăng 26,53% về giá trị; mủ cao su là 830 tấn, tương ứng 1,25 triệu USD, tăng 4,17%; sản phẩm gỗ đạt 2,1 triệu USD, tăng 110%...
![]() |
Gia Lai có nhiều mặt hàng nông sản chất lượng, đa dạng |
Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ, toàn tỉnh hiện có 10.732 ha cây ăn quả được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với các loại trái cây tươi của Gia Lai như sầu riêng, chuối, chanh dây… đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản.
Quý I-2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là 462 triệu USD (đạt 54,35% kế hoạch, tăng 11,59% so với cùng kỳ năm ngoái). Riêng mặt hàng cà phê đạt kim ngạch xuất khẩu 447,53 triệu USD (tăng 13,59% về giá trị) với sản lượng 88.853 tấn. Mặt hàng này hiện chiếm đến 96,8% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
“Gia Lai đã được cấp 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.668 ha phục vụ xuất khẩu và 38 mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu với tổng công suất 1.550-1.700 tấn quả tươi/ngày. Kim ngạch xuất khẩu rau, quả của tỉnh tăng dần qua từng năm”, ông Binh nói.
Trong kế hoạch về phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Gia Lai định hướng xây dựng 2 trung tâm logistics và 2 cảng cạn để phục vụ cho việc phát triển dịch vụ logistics nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong tỉnh và khu vực lân cận. Đặc biệt, Trung tâm kho vận quốc tế logistics Tây Nguyên tại huyện Mang Yang với quy mô hạng II, diện tích 511 ha đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2026-2030. Ngoài ra, Cảng Hàng không Pleiku được Bộ Giao thông Vận tải (giờ là Bộ Xây Dựng) phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021-2030 với công suất khoảng 4 triệu hành khách và 4.500 tấn hàng hóa/năm; tầm nhìn đến năm 2050 có công suất khoảng 5 triệu hành khách và 12.000 tấn hàng hóa/năm. Đây cũng là cơ hội để tỉnh xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp và logistics, tạo thế cho Gia Lai trở thành vùng kinh tế động lực trong khu vực, thúc đẩy các tỉnh khác trong vùng cùng phát triển.
![]() |
Cảng Quy Nhơn |
Trong khi đó, theo ông Lê Hồng Quân-Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn, đơn vị luôn duy trì ổn định tuyến dịch vụ kết nối vận chuyển container từ Cảng Quy Nhơn đến các cảng lớn tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Tuyến dịch vụ này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh thông thương hàng hóa tới các thị trường Trung Quốc, Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, giúp thời gian vận chuyển hàng hóa đến các khu vực trên được rút ngắn, chi phí vận chuyển được tiết giảm. Dự kiến trong năm 2025, công ty sẽ mở văn phòng đại diện tại Gia Lai nhằm kết nối các khách hàng khu vực Tây Nguyên có nhu cầu xuất-nhập khẩu hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn.
Đẩy mạnh hội nhập
Nhằm đề xuất giải pháp, định hướng cụ thể để phát triển hoạt động xuất khẩu, đẩy mạnh hội nhập Quốc tế của Gia Lai, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn.
Tại đây, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai thông tin, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay thì sức ép cạnh tranh và yêu cầu của thị trường đối với hàng hóa nông sản ngày càng cao, cùng với đó hoạt động xuất khẩu, hội nhập quốc tế của tỉnh sẽ còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, ông Binh đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh cần chủ động và thường xuyên cung cấp thông tin về FTA cho cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với đó, thiết lập các cơ chế đối thoại doanh nghiệp định kỳ theo ngành hàng hoặc thị trường để nhanh chóng nắm bắt thông tin và có giải pháp chính sách kịp thời trong quá trình xây dựng, thực thi các văn bản pháp luật thực hiện các FTA.
“Xây dựng, triển khai các chương trình hỗ trợ hội nhập FTA cần tiến hành dựa trên việc khảo sát nhu cầu, phù hợp ngành nghề sản xuất kinh doanh, đặc biệt đảm bảo hướng tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ là thành phần chủ yếu của cộng đồng doanh nghiệp địa phương”, ông Binh phát biểu tại hội nghị. Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, mỗi doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về các FTA, tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin về yêu cầu của thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo ông Binh, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, có kế hoạch và triển khai thực hiện các cam kết liên quan đến phát triển bền vững, bao gồm cả các vấn đề khác ngoài lao động và môi trường. Đối với các hội, hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương nhằm triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA.
Về nhiệm vụ trọng tâm quý II, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết: Sẽ tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện phương án phát triển cụm công nghiệp đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh. Đặc biệt, về lĩnh vực năng lượng, Sở sẽ nghiên cứu, tham mưu triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500 ngày 15/5/2023. Cùng với đó thẩm định các dự án nguồn và lưới điện trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với 10 đơn vị có liên quan kiểm tra công tác nghiệm thu đối với các công trình năng lượng (trạm sạc xe điện, cửa hàng xăng dầu...) trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn việc bàn giao công trình lưới điện được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước sang ngành điện để quản lý theo quy định tại Nghị định số 02/2024/NĐCP ngày 10/01/2024 của Chính phủ. Phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh.