Lo tính an toàn các khóa học
Nếu trường công lập cho học sinh tựu trường vào tháng 9, trường ngoài công lập tựu trường sớm hơn 1 tháng thì học sinh các cấp có ít nhất 2 tháng và nhiều nhất 3 tháng để nghỉ hè. Chị Lê Ngọc Mai ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, cách đây 1 tháng đã tìm hiểu các khoá học hè, trải nghiệm cho 2 con lớp 1 và lớp 5 nhưng đến nay vẫn chưa chốt được lớp nào.
Cũng như chị Mai, gia đình anh Nguyễn Văn Dương ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đang đau đầu chưa biết phải xoay xở thế nào để vừa trông con vừa làm việc. Những năm trước, dịp hè anh gửi con về quê chơi với ông bà. Ở quê có không gian rộng rãi, con vừa được chơi cũng là dịp gắn kết tình cảm gia đình. Tuy nhiên, từ hè năm ngoái, anh phát hiện con trai lớn học lớp 7 về quê không chịu tham gia hoạt động vui chơi cùng các em mà chỉ “ôm” ti vi và điện thoại để chơi điện tử.
“Ông bà chiều, không nỡ mắng nên sau kỳ nghỉ hè kéo dài gần 3 tháng, con nghiện chơi điện tử lúc nào không hay. Vào năm học mới, con đóng cửa phòng riêng lén lút chơi điện tử đến 2 - 3 giờ sáng. Trong năm học vừa rồi, bố mẹ đã phải “chiến đấu” đủ cách như: cắt wifi, giấu máy tính, cất sạc, thậm chí tịch thu điện thoại… để cai nghiện game cho con”, anh Dương nói.
Học sinh tham gia hoạt động CLB hè tại Cung Thiếu nhi Hà Nội |
Năm nay anh dự định chốt chương trình “Học kỳ quân đội” kéo dài 10 ngày có mức phí hơn 6 triệu đồng. “Dù vậy, khoá học cũng chỉ kéo dài 10 ngày trong khi các con có hơn 2 tháng nghỉ hè, bố mẹ chưa biết phải tính toán thế nào. Nếu để 2 anh em ở nhà trông nhau tôi lo con lén chơi điện tử nhưng đăng ký thêm các lớp học văn hoá lại không sắp xếp được công việc để đưa đón”, anh Dương chia sẻ.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hằng năm, dịp hè, đơn vị yêu cầu các trường học có lịch mở cửa thư viện và công bố cho cha mẹ học sinh được biết để các em có thể đến đọc sách.
Trên các diễn đàn, một số phụ huynh cho biết, họ đăng ký các lớp học thêm một số môn văn hoá để phủ kín lịch các ngày trong tuần. Thậm chí có phụ huynh tự lập nhóm và mời thầy cô giáo về nhà dạy theo lịch của mình.
Nở rộ nhiều khóa học hè
Thời điểm này, nhiều đơn vị chào mời khoá học hè từ tăng cường kỹ năng sống, trải nghiệm cuộc sống vùng nông thôn đến các khoá trại hè ở nước ngoài. Mỗi chương trình lại có nội dung, mức phí tham gia khác nhau, từ 3 triệu đồng, 5 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều phụ huynh cho biết, có những chương trình ấn tượng nhưng mức phí vượt quá khả năng của gia đình. Có đơn vị quảng cáo tổ chức trại hè bán trú cho trẻ từ 3-6 tuổi, có cả nội dung cắm trại qua đêm... với mức phí gần 20 triệu đồng.
Có những chương trình kéo dài 3 tuần, hướng đến đối tượng học sinh THCS - THPT bướng, nghịch, cứng đầu, nổi loạn, khó kiềm chế cảm xúc… Chương trình gồm các buổi học rèn luyện quản lý cảm xúc, gắn kết tình yêu gia đình, tự lập trong suy nghĩ; học các kỹ năng tự vệ, phòng chống xâm hại, đối phó kẻ bắt nạt; tập viết thư gửi bản thân và gia đình…
Bà Võ Thị Thanh Diệp, Phó Giám đốc phụ trách Cung Thiếu nhi Hà Nội, cho biết, đơn vị có hơn 50 bộ môn khác nhau để phụ huynh lựa chọn cho con tham gia. Do cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư, chi phí các hoạt động thấp, đội ngũ giáo viên chất lượng nên những năm trước đây thường rơi vào tình trạng quá tải. Hè năm 2022, đơn vị đáp ứng được 5.000 lượt học sinh tham gia. Năm nay, đơn vị thiết kế thêm một số CLB, chương trình mới, trong đó có cả CLB bán trú nên dự kiến đón lượng học sinh lớn hơn.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), lưu ý phụ huynh, khi lựa chọn các khoá học, chương trình trải nghiệm hè cho con, cần quan tâm đến chương trình học, trải nghiệm được thiết kế có phù hợp lứa tuổi hay không, có nhằm hướng đến mục tiêu giáo dục nào hay không, chứ không nên đơn giản là “đẩy” con đi tham gia cho hết thời gian nghỉ…