Nguy cơ gia tăng bệnh sốt xuất huyết

Admin

TP - Khu vực Nam bộ bước vào mùa mưa sớm hơn so với mọi năm đã tạo cơ hội cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát triển và phân bố trên diện rộng.

Ngày 2/6, Sở Y tế TPHCM cho biết, trong tuần 21 (từ ngày 22 đến ngày 28/5) hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của thành phố đã ghi nhận 152 trường hợp mắc bệnh SXH.

Mặc dù số ca bệnh thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng loại bệnh này đang phân bố trên diện rộng với hầu hết các quận, huyện đều ghi nhận ca bệnh. Hiện có 12 phường, xã trên toàn thành phố ghi nhận số ca bệnh gia tăng so với trung bình của 4 tuần trước. Tính từ đầu năm đến nay, TPHCM đã ghi nhận 7.584 trường hợp mắc SXH.

Nhiều bệnh nhân nhập viện có diễn tiến nặng khiến việc điều trị khó khăn. Sở Y tế đang liên tiếp triển khai nhiều đoàn giám sát công tác phòng chống dịch tại các địa phương. Từ đầu năm đến nay, quận Tân Phú ghi nhận 417 ca mắc SXH với 5 ổ dịch trong cộng đồng. Ngành y tế quận đang chủ động theo dõi và quản lý 878 điểm nguy cơ SXH.

Nguy cơ gia tăng bệnh sốt xuất huyết ảnh 1

Nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi tại những điểm nguy cơ SXH ảnh: Vân Sơn

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, mục tiêu lớn nhất trong công tác phòng, chống SXH là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, không để phát sinh lăng quăng. Sở Y tế đang đề nghị các quận, huyện tăng cường quản lý, phân cấp và xử lý điểm nguy cơ của SXH nhằm xử lý triệt để tránh hình thành ổ dịch trong cộng đồng. Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường tập huấn cho cán bộ y tế làm công tác dự phòng về điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch SXH cũng như công tác tiếp nhận, điều trị SXH cho nhân viên y tế tại các phòng khám tư.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM, mùa mưa đến sớm sẽ tạo điều kiện cho muỗi là vật trung gian truyền bệnh SXH phát triển. Giai đoạn đầu của loại dịch bệnh này khó có thể tránh khỏi nhiều trường hợp bệnh nặng, nhập viện trễ vì tâm lý chủ quan của cộng đồng. Điều khiến BS. Khanh lo ngại là sau thời gian SXH tạm lắng, nhân viên y tế cũng sẽ “quên bài”, do đó dễ bỏ qua các dấu hiệu của người bệnh SXH khiến bệnh nhân không được điều trị kịp thời.

BS. Khanh cảnh báo, những trường hợp có dấu hiệu sốt cao liên tục từ 24 đến 48 giờ nhưng không rõ nguyên nhân thì cần nghĩ ngay đến bệnh SXH để thực hiện các biện pháp xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị.