Ngoài chị thư ký tòa soạn tổ chức sản xuất và anh phụ trách kỹ thuật trường quay, bản tin có 3 MC thay nhau lên sóng hằng ngày. Gọi là MC nhưng tôi và 2 đồng nghiệp phải tự thực hiện hết các công đoạn, từ xây dựng kịch bản, kết nối khách mời nếu có
MC vừa phải lên kịch bản, dẫn và dựng hậu kỳ cho bản tin của mình trong thời gian ngắn để kịp lên sóng
Những năm gần đây, báo điện tử được Đảng ủy, Ban Biên tập báo Tiền Phong chủ trương xác định là trung tâm phát triển, nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của độc giả. Bên cạnh nâng cao chất lượng bài viết, phóng sự ảnh, các chùm ảnh… đội ngũ phóng viên cũng tăng cường sản xuất video nhằm cung cấp thông tin sinh động, hấp dẫn. Tòa soạn đã tổ chức một số khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ truyền hình cho các phóng viên. Bản thân tôi cũng từng được đào tạo chuyên ngành báo chí với đầy đủ các loại hình gồm: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử, nhưng với 15 năm gắn bó với báo giấy thì trải nghiệm với truyền hình lần này vừa mới mẻ, hứng thú nhưng cũng đầy thử thách. Đây cũng là vấn đề chung của hầu hết anh chị em đồng nghiệp ở tòa soạn.
Ngày… tháng… năm…
Trong trường quay có sẵn cue (bảng chữ chạy trên màn hình) để MC có thể đọc theo. Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản như tôi tưởng. Đầu tiên là học cách ngắt nghỉ lấy hơi ngoài các dấu câu có sẵn trên văn bản. Rồi phải điều chỉnh giọng, tin pháp luật thì giọng đọc phải đanh, tin văn hóa lại phải chuyển tông nhẹ nhàng… Bên cạnh đó còn phải phối hợp khả năng diễn đạt bằng lời văn bản với khả năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với khán giả thông qua máy quay. Chưa kể, phải học cách vừa đọc vừa chớp mắt như thế nào để không bị “đơ”, cơ mặt phải để tự nhiên, không được căng cứng…
Là cơ quan báo in nhưng các khâu sản xuất bản tin của Tiền Phong TV đều tuân thủ quy trình như tác phẩm truyền hình chuyên nghiệp |
Mỗi lần anh phụ trách kỹ thuật trường quay hô “lên hình!” lập tức MC chúng tôi như thể đang chơi môn thể thao 3 kết hợp: mắt nhìn chữ, miệng đọc và chân đạp vào bảng bên cạnh để điều chỉnh tốc độ chạy chữ trên màn hình. Riêng việc đạp vào đâu để tiến, để lùi hay để chữ đứng im cũng khiến những “lính mới tò te” như chúng tôi phải tập luyện mất mấy ngày.Rồi những từ ngữ chuyên ngành cũng khiến chúng tôi đọc vấp, phải đọc lại nhiều lần. Tuy nhiên, cái hay của phóng viên làm MC là nắm vững lĩnh vực, sẵn sàng trao đổi và đối thoại với khách mời trong các chương trình talkshow, thúc đẩy và chủ động dẫn dắt tốt vấn đề trong suốt buổi trò chuyện.
Ngày… tháng… năm…
Vốn bao năm cầm bút và gõ chữ trên bàn phím, nay chúng tôi phải học cách làm quen với các phần mềm dựng, từ phần mềm miễn phí tải trên mạng đến những phần mềm chuyên nghiệp của dân truyền hình.
Khi phóng viên báo viết trải nghiệm làm MC truyền hình
Ngày… tháng… năm…
Bản tin đầu tiên, tôi hăm hở lên kịch bản gần 2 trang A4. Tâm huyết, nắn nót từng câu chữ. Khi đưa cho chị thư ký sản xuất duyệt, chị chỉ nói một câu ngắn gọn: “Em về co lại cho chị khoảng nửa trang”.
Tuy cùng trong lĩnh vực báo chí nhưng giữa báo viết và báo hình có cách thức thể hiện hoàn toàn khác nhau. Khác với báo in, phóng viên dùng các ngôn ngữ viết truyền tải thông tin đến bạn đọc, trong khi đó điều tiên quyết với phóng viên truyền hình bắt buộc phải dùng hình ảnh là ngôn ngữ chính để đem lại thông tin đến bạn đọc. Hình ảnh càng cô đọng, đúng khoảnh khắc thì tin mới hấp dẫn. Hình ảnh cũng bắt buộc phải logic với lời bình và chuỗi sự kiện đã diễn ra. Lời bình trong tin truyền hình phải cô đọng, liên kết các hình ảnh với nhau và giải thích những chi tiết mà hình ảnh không thể diễn tả. “Dài dòng văn tự” là thói quen rất khó bỏ đối với phóng viên viết cho báo in như chúng tôi khi chuyển qua làm truyền hình.
Việc chuyển qua làm truyền hình khiến chúng tôi phải thay đổi cách tiếp cận, khai thác thông tin. Trước đây, có thể phóng viên chỉ cần nắm thông tin, điện thoại để làm việc thì bây giờ muốn có tin bài, phóng sự, phóng viên bắt buộc phải có mặt tại hiện trường với máy quay. Có những thông tin, phóng viên Tiền Phong vừa phải làm tin bài cho báo giấy, chụp chùm ảnh cho báo điện tử và quay phóng sự để phát trên mục Video.
Nếu quay ở ngoại cảnh thì cần được thời tiết ủng hộ, trước khi bắt đầu ghi hình phỏng vấn, cần bố trí nhân vật đứng ở vị trí phù hợp, ánh sáng tốt, không lẫn tạp hình và tạp âm.Trong một số trường hợp, chúng tôi phải trao đổi trước câu hỏi phỏng vấn để nhân vật chuẩn bị tinh thần và nội dung trả lời.Ngoài ra cũng phải chỉnh sửa quần áo, tóc tai cho nhân vật trước khi ghi hình để bảo đảm có hình ảnh chỉn chu nhất. Đồng nghiệp của tôi từng kể, có những lúc dở khóc dở cười, vác máy đi quay phóng sự, nhưng khi lên hình thì nhân vật “ngượng”, trả lời lắp bắp và sau đó thì... từ chối tham gia. Thế mới nói, với báo hình, chúng tôi thực sự cần thêm cả may mắn để hoàn thành tác phẩm.
Ngày… tháng… năm…
Giám đốc Khối Truyền thông điện tử thông báo, bản tin đầu tay của chúng tôi thu hút được một số gói truyền thông quảng cáo “xinh xinh”. Thông tin đó khiến cả nhóm hân hoan, vui mừng. Tuy nhiên, dẫu có hay không thì anh chị em trong nhóm cũng luôn động viên nhau phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng nội dung bản tin và hoàn thiện quy trình sản xuất. Khi mà ChatGPT, AI được cho là có thể viết báo, viết văn, làm thơ; khi mà “tòa soạn hội tụ” là xu thế của báo chí hiện đại, thì phóng viên chúng tôi cũng hiểu rằng bản thân cần trang bị thêm nhiều kỹ năng chuyên môn khác, không chỉ là viết báo theo phong cách truyền thống nữa mà còn phải biết làm tin bài điện tử, làm tin hình, thực hiện các tác phẩm báo chí có cách thể hiện mới như infographic, longform, video clip ngắn, podcast…
Đó thực sự là thách thức không nhỏ đối với thế hệ phóng viên đã có hơn 15 năm gắn bó với báo viết như tôi. Nhưng chắc chắn, chúng tôi sẽ có đủ lòng yêu nghề, tâm huyết và khát vọng để tự làm mới chính mình, trở thành một phóng viên “đa phương tiện” trong dòng chảy của báo chí hiện đại.