Nhiều bác sĩ bỏ bệnh viện công sang tư

Admin

TP - Áp lực công việc, vất vả, lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng,… được cho là những nguyên nhân chính khiến cho đội ngũ y, bác sĩ trong hệ thống y tế công lập ở Quảng Ngãi bỏ ra các phòng khám, bệnh viện tư.

Tại y tế tuyến cơ sở, Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) hiện đang có 29 bác sĩ, phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho khoảng 170 nghìn người dân toàn huyện. Dân số đông lại thiếu bác sĩ đang gây áp lực lớn cho nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân của trung tâm.

Năm 2021 và 2022, có 3 bác sĩ chuyển công tác, xin nghỉ qua các bệnh viện tư nhân, trong khi trung tâm không tuyển dụng được bác sĩ mới, khiến đơn vị này luôn trong tình trạng quá tải.

Nhiều bác sĩ bỏ bệnh viện công sang tư ảnh 1

Dân số đông lại thiếu bác sĩ đang gây áp lực lớn cho nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho y tế Quảng Ngãi

Bác sĩ CKII Võ Thanh Tân - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tịnh cho biết, hiện nguồn nhân lực của đơn vị thiếu, thu nhập thấp là một trong những yếu tố khiến họ chuyển qua cơ sở y tế tư nhân, cơ sở y tế cao hơn hoặc bệnh viện có nguồn thu lớn hơn để tương xứng với trình độ chuyên môn.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, chi phí để đào tạo đối với sinh viên ngành y hiện nay rất cao, trong khi mức lương trả cho viên chức y tế, đặc biệt là bác sĩ sau khi tốt nghiệp ra trường tại đa số cơ sở y tế công lập còn quá thấp, dẫn đến rất khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Trong quá trình khám chữa bệnh, các bác sĩ ở bệnh viện công lập không được chỉ định cho thuốc theo kinh nghiệm, chuyên môn của họ để đáp ứng tốt cho người bệnh, bởi những văn bản ràng buộc như dự toán, tổng mức quỹ của bảo hiểm y tế... Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, Trung ương nhằm giúp lực lượng y bác sĩ yên tâm công tác tuyến cơ sở, tuyến huyện, tuyến xã”, bác sĩ Tân đề xuất.

Còn tại Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa, tính từ đầu năm 2021 đến nay đã có 7 bác sĩ xin nghỉ việc, đây đều là những bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa có nhiều năm kinh nghiệm.

Bác sĩ CKII Đặng Văn Điểm - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa cho hay, có rất nhiều nguyên nhân, mà tuyến y tế cơ sở không giữ chân được bác sĩ do mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Cơ sở y tế gặp khó khăn, không đủ kinh phí để bố trí đào tạo và đào tạo lại.

Trang thiết bị máy móc, thuốc men trong giai đoạn vừa qua rất thiếu. Chính những yếu tố này khiến nhiều bác sĩ bỏ y tế cơ sở công lập chuyển sang các cơ sở y tế khác, đặc biệt là tư nhân để có đời sống tốt hơn.

Cần có cơ chế

Theo thống kê của ngành chức năng, giai đoạn 2013-2018, Quảng Ngãi thu hút, tuyển dụng được 254 bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp đại học chính quy về công tác tại tỉnh. Nhưng từ 2018-2023 lại có khoảng 120 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Thực tế trên khiến ngành y tế Quảng Ngãi vẫn còn thiếu nhân lực, đặc biệt thiếu bác sĩ để duy trì và phát triển các chuyên khoa sâu, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân trong tỉnh.

Ông Phạm Minh Đức - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến bác sĩ từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, trong đó nguyên nhân chính là vấn đề thu nhập. Để giữ chân, giảm tình trạng chuyển dịch từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, trước hết, phải nâng cao thu nhập của đội ngũ bác sĩ.

Theo ông Đức, để làm được điều này, cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm thu hút số bệnh nhân ở tại các bệnh viện công. Trong đó, tăng cường cơ sở vật chất, chất lượng của cán bộ cũng như tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế. Từ đó, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện công nhiều hơn sẽ đảm bảo nguồn thu nhập cho bác sĩ cũng như cán bộ y tế.

Ngoài ra, bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện sản nhi đã triển khai khám chữa bệnh theo yêu cầu. Sắp tới, ngành y tế cũng sẽ tổng kết lại mô hình này. Đồng thời, trình UBND tỉnh để triển khai cho một số đơn vị nếu có điều kiện khám chữa bệnh theo yêu cầu nhằm tăng thu nhập cho cán bộ y tế.

Hiện nay, giá viện phí còn thấp, ngành cũng sẽ kiến nghị các cấp thẩm quyền tính giá viện phí tính đúng, tính đủ để đảm bảo các chi phí cho công tác khám chữa bệnh.