Nhiều huyện ở Lai Châu tổ chức hiệu quả tinh gọn bộ máy

Admin

TPO - Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh Lai Châu đã giảm 298 tổ chức, 272 lãnh đạo, quản lý, giảm 3.100 biên chế. Sau sắp xếp, tổ chức bộ máy mới của tỉnh Lai Châu đã sớm ổn định và đi vào hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Tại huyện Than Uyên, sau khi triển khai đồng bộ các nội dung của Nghị quyết 18, 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, địa phương đã giảm: 36 bản; 13 trường học; 1.218 người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, bản, khu dân cư; 271 biên chế; 1 cơ quan chuyên môn Phòng Y tế huyện; 1 đơn vị sự nghiệp Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất; sáp nhập, thành lập mới các đơn vị trạm, trung tâm đảm bảo chỉ đạo của tỉnh so với năm 2017.

Đặc biệt, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện được thành lập từ việc sáp nhập 3 trạm chức năng, giúp tăng cường hiệu quả hoạt động, tiết kiệm ngân sách, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Lò Văn Hương, Bí thư Huyện ủy Than Uyên, nhấn mạnh: "Bộ máy cấp xã được tổ chức theo hướng tinh gọn, cán bộ được bố trí phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Chủ trương nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy và Chủ tịch HĐND xã đã được triển khai hầu hết tại các xã."

Nhiều huyện ở Lai Châu tổ chức hiệu quả tinh gọn bộ máy ảnh 1
Các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại điểm cầu tỉnh Lai Châu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu.

Thành phố Lai Châu cũng ghi dấu ấn với việc sáp nhập xã Sùng Phài (huyện Tam Đường) và xã Nậm Loỏng để thành lập xã Sùng Phài mới. Sau sáp nhập, xã có diện tích tự nhiên hơn 4.966ha, dân số 4.340 người. Việc tinh gọn tổ chức không chỉ giúp tận dụng cơ sở vật chất hiện có mà còn giảm thiểu số lượng cán bộ bán chuyên trách, nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết kiệm ngân sách.

Chủ tịch UBND xã Sùng Phài, ông Hà Mạnh Hải, cho biết: "Sau gần 4 năm, việc sáp nhập đã giúp kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng quản lý và giảm chi phí cho ngân sách."

Tại huyện Mường Tè, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết, địa phương đã giảm 21 trường học, sáp nhập các trường tiểu học, mầm non thành trường liên cấp. Các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề cũng được hợp nhất, tạo thuận lợi cho công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Ngoài ra, huyện đã thành lập Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông, kết hợp các đơn vị sự nghiệp văn hóa, thông tin và Đài Truyền thanh - Truyền hình, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tính đến nay, tỉnh Lai Châu đã giảm 298 tổ chức, 3.100 biên chế, tương đương 15,9% so với năm 2015. Các cơ quan, đơn vị được sắp xếp theo hướng giảm đầu mối, tăng hiệu quả. Các tổ chức hoạt động không hiệu quả, có chức năng tương đồng đã được sáp nhập hoặc giải thể.

Ông Sùng A Nủ, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lai Châu, khẳng định: "Sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân là yếu tố quyết định giúp các nghị quyết đi vào cuộc sống. Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở hoạt động hiệu quả hơn, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh, chế độ phụ cấp và quản lý chặt chẽ biên chế. Đồng thời, tỉnh chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cấp cơ sở, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, đảm bảo phát huy hiệu quả bộ máy tinh gọn trong thực tiễn".