Nhồi máu cơ tim vì tập thể thao quá sức

Admin

TP - Thời gian qua, các bệnh viện ở Hà Nội liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện do luyện tập thể dục, thể thao quá sức, thậm chí dẫn tới tử vong.

Các bác sĩ Trung tâm tim mạch (Bệnh viện E) mới đây cấp cứu thành công nam thanh niên 32 tuổi nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp. Bác sĩ, Th.s Đàm Hải Sơn, khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực (Trung tâm Tim mạch), cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ nhận thấy ở người bệnh có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp, chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết. Kết quả bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim và có chỉ định can thiệp cấp cứu ngay lập tức.

Nhồi máu cơ tim vì tập thể thao quá sức ảnh 1

Bác sĩ Đàm Hải Sơn kiểm tra sức khỏe bệnh nhân là HLV thể hình

Bệnh nhân là huấn luyện viên thể hình, thường xuyên tập luyện với cường độ cao. Hôm đó, sau khi kết thúc quá trình tập luyện tại phòng tập, bệnh nhân cảm thấy khó thở, tình trạng khó thở tăng dần, rồi chuyển sang tức ngực tăng và đau thắt ngực, đau theo cơn kéo dài từ 10 -15 phút. Người bệnh được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện E. Các bác sĩ nhanh chóng can thiệp lấy huyết khối và đặt stent tái thông động mạch khẩn cấp cho người bệnh.

Mới nhất, tối 2/12, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội tiếp nhận nam bệnh nhân bị choáng khi đang chơi pickleball cùng bạn bè. Thời điểm gặp nạn, bệnh nhân mới vào sân chơi khoảng 15 - 20 phút thì bị choáng, ngã ra sân nên những người chơi thể thao cùng gọi cấp cứu 115. Tại hiện trường, khi đội cấp cứu đến thì bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn. Sau gần 20 phút hồi sức, mạch của bệnh nhân đập trở lại và được chuyển vào Bệnh viện E.

Tháng 10 vừa qua, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho 6 bệnh nhân bị sốc nhiệt sau khi tham gia giải chạy marathon tại Hà Nội. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rối loạn ý thức, lơ mơ, yếu cơ tứ chi, hạ huyết áp, da khô, thiểu niệu. Theo kết quả xét nghiệm, các bệnh này đều có tình trạng tăng men cơ, suy giảm chức năng thận…

PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, trước khi chơi các môn thể thao gắng sức nhiều, mỗi người cần được kiểm tra sức khoẻ, được bác sĩ tư vấn về tình trạng sức khỏe xem có thể tham gia được hay không. “Trong quá trình chơi thể thao, cần ghi nhận, theo dõi các dấu hiệu của cơ thể. Nếu có các biểu hiện không bình thường như khó thở, đau ngực, mệt xỉu, ngất…, cần đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời. Tại các cơ sở thể dục, thể thao cũng cần được trang bị nhân lực và trang thiết bị y tế để kịp thời sơ cứu, hỗ trợ có hiệu quả, khi không may người tập xảy ra biến cố”, TS Hải nói.

Theo các chuyên gia, tùy thuộc vào thể trạng, một người trưởng thành mỗi tuần nên dành ra 5 giờ để tập luyện ở cường độ trung bình và khoảng 2,5 giờ ở cường độ cao. Ngoài ra, đối với trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 17 nên tập luyện ít nhất 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 60 phút. Như vậy, các trường hợp tập luyện nhiều hơn mức trung bình được coi là vận động quá sức. Nguy hiểm nhất là trường hợp tập luyện liên tục, không cho cơ thể thời gian ngừng nghỉ, hoặc đẩy giới hạn chịu đựng của cơ thể lên cao nhất.